Bên cạnh niềm vui, học sinh bất an khi chưa tiêm vaccine còn phụ huynh lo tìm người đưa đón khi con chỉ học nửa ngày.
Trước buổi học online chiều 1/11, Thu Huyền, học sinh lớp 12, huyện Đan Phượng, thấy bạn bè nháo nhác báo tin trong nhóm chat “Tuần sau được đi học rồi”. Nghĩ các bạn đùa, Huyền cẩn thận tìm đọc thông tin.
Theo quyết định của UBND Hà Nội, học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị xã (mức độ dịch ở cấp 1 và 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm đi học không còn F0 cộng đồng) học trực tiếp từ 8/11, các khối còn lại cùng toàn bộ học sinh nội thành duy trì học online.
Điều đầu tiên Huyền nghĩ đến là mình không còn phải chật vật mỗi khi học online nữa. Nhà có bốn chị em, trong đó ba đứa ở tuổi đi học, Huyền và các em không đủ thiết bị học. Không có máy tính, mấy chị em dùng chung một chiếc điện thoại “cà tàng”, thường xuyên hết pin giữa buổi học.
Huyền sẽ nhường các em nếu trùng giờ học, còn mình qua nhà bác mượn điện thoại hoặc sang nhờ hàng xóm. Nếu trúng lịch kiểm tra của Huyền, cô em lớp 7 sẽ phải đi học nhờ. Nữ sinh thường xuyên không chép kịp bài khi giáo viên chuyển slide, phải mượn sách của bạn để hoàn thành. Học online một cách chắp vá, có gì dùng nấy khiến Huyền lo lắng. “Năm nay cuối cấp, em cũng muốn đến trường để được học tập tốt hơn, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp”, Huyền nói.
Nhưng, trước ngày trở lại trường, Huyền vẫn cảm thấy lo lắng. Không học trực tiếp 6 tháng, Huyền không biết liệu mình có thể nhanh chóng bắt nhịp trở lại, nhất là khi em tự đánh giá mình bị hổng nhiều kiến thức. Trong khi đó, kỳ thi giữa và cuối kỳ đang đến gần.
Chung tâm trạng với Huyền, Lê Minh, lớp 9 ở huyện Phúc Thọ, cũng khấp khởi khi được trở lại trường. Minh đánh giá học online chỉ đạt hiệu quả khoảng 60% so với trên lớp.
Tuy nhiên, nam sinh bày tỏ nguyện vọng sớm được tiêm vaccine để yên tâm học tập, tham gia các kỳ thi chuyển cấp. “Không chỉ em, nhiều bạn bè chung mong muốn này. Cứ hồi hộp, nghĩ ngợi khi đi học mà chưa được tiêm chủng thì bọn em cũng không thể đạt kết quả tốt nhất”, Minh nói.
Từ góc độ phụ huynh, nhiều người cũng rơi vào trạng thái vừa mừng, vừa lo trước tin trường học mở cửa. Từ đầu tháng 7, chị Bùi Hồng, 37 tuổi, huyện Đông Anh, gửi hai con lớp 5 và 1 về quê cùng ông bà ở Tuyên Quang. Dù học sinh Tuyên Quang được đi học trực tiếp, chị không đăng ký cho con học nhờ vì ông bà đã già, không thể đưa đón cháu hàng ngày. Người mẹ chọn giải pháp tiếp tục để các con học online theo lớp tại Hà Nội, chấp nhận “được chữ nào hay chữ đó”.
Nghe tin con gái lớn thuộc nhóm học sinh được trở lại trường từ 8/11, chị phấn khởi vì con không phải chịu cảnh học “chữ được chữ mất” nữa. Chưa kể, gia đình xa nhau đã lâu, chị cũng mong sớm được đoàn tụ. Thế nhưng, niềm vui của người mẹ trộn lẫn với nhiều “bài toán” cần giải quyết.
Theo quyết định của Hà Nội, học sinh khi trở lại trường chỉ học một buổi và trường chưa triển khai dịch vụ bán trú. Chị không thể đưa đón con giữa ngày hay lo bữa trưa vì hai vợ chồng đều làm việc xa nhà.
Chị định đón ông bà xuống cùng để hỗ trợ cơm nước buổi trưa và đưa hai cháu đi học. “Rất may, nhà tôi rất gần trường, chỉ cần đi bộ nên ông bà có thể đưa đón cháu. Trong trường hợp ông bà bận, tôi tính thuê người đón con, cơm nước sẽ nấu từ sáng để các con ăn trưa”, chị Hồng nói.
Người mẹ cũng bồn chồn khi học sinh chưa được tiêm vaccine. Chị hiểu rằng để đợi đến khi tiêm đủ mới đi học thì “rất khó, cũng không thể học online quá lâu như vậy”. Tuy nhiên, người mẹ vẫn bất an, nhất là khi những ngày gần đây, Hà Nội vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc mới, nhiều F0 cộng đồng. “Cái tôi lo là nếu có học sinh hoặc phụ huynh mắc bệnh, các con còn nhỏ, phải đi cách ly, xa bố mẹ rất tội”, chị nói.
Tính từ 24/10 đến nay có 5 huyện của Hà Nội ghi nhận các ca mắc cộng đồng tại ổ dịch mới gồm: Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Hoài Đức, Mê Linh. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, những địa bàn gần đây có ca mắc cộng đồng sẽ được xem xét cho học sinh đi học trở lại ở các đợt tiếp theo.
Trong quá trình dạy trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan dịch tễ các ca nhiễm, không đảm bảo an toàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thị xã sẽ xem xét, cho dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. “Điều này có nghĩa học sinh có thể trở lại nhưng không có gì đảm bảo các con có thể học trực tiếp lâu dài. Tôi vui mừng khi con trai lớp 5 được trở lại trường những cảm giác lo lắng vẫn thường trực vì không viết niềm vui có thể kéo dài bao lâu “, một phụ huynh tại huyện Phúc Thọ chia sẻ.
Theo kế hoạch, học sinh Hà Nội sẽ được tiêm vaccine khi trở lại trường. Lộ trình tiêm chủng được tiến hành từng bước, bắt đầu từ học sinh được đi học từ 8/11 tại 18 huyện, thị và các quận chưa xuất hiện F0 cộng đồng. Căn cứ tiến độ tiêm vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tiêm chủng cho các cấp học khác.
Từ tháng 5, hơn 2,2 triệu học sinh Hà Nội bắt đầu học trực tuyến do Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Cùng với TP HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành phía Nam, học sinh thủ đô có thời gian học online thuộc nhóm lâu nhất cả nước.
Thanh Hằng
Theo: VN Express