“Hơn 2 tháng nay, mình hỗ trợ, tư vấn hơn 150 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Có nhiều bệnh nhân ngày nào cũng chờ mình gọi điện thoại đến kiểm tra tình trạng sức khỏe, nhiều người thông báo đã hết bệnh chính là động lực và niềm vui để tiếp tục cống hiến sức mình”, Đặng Thy Nhi, sinh viên Y khoa, trường Đại học Buôn Ma Thuột chia sẻ.
Đặng Thy Nhi (SN 1999) hiện là sinh viên năm thứ 5, ngành Y đa khoa, trường Đại học Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Cô bạn là thành viên của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” hơn 2 tháng qua. Hiện tại, buổi sáng Thy Nhi tư vấn cho bệnh nhân, buổi chiều học trực tuyến.
“Bây giờ quen việc nên mình cân bằng được thời gian giữa học và hỗ trợ tình nguyện. Mỗi ngày gọi điện tư vấn khoảng 20 bệnh nhân. Có những buổi học xong sớm, mình tranh thủ gọi điện kiểm tra sức khỏe cho người bệnh”, Thy Nhi cho biết.
Công việc của Nhi là ở tại nhà, mở máy tính gọi qua số tổng đài và tư vấn trường hợp F0 điều trị tại nhà. Vừa gọi, Nhi vừa ghi chú rõ các triệu chứng, sức khỏe từng bệnh nhân.
Nhi cho biết tình cờ biết đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” qua bài viết kêu gọi tham gia tình nguyện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho F0 chưa được tiếp cận với chăm sóc y tế tại thành phố Hồ Chí Minh ở trên facebook. Sau đó, Nhi đăng ký tham gia và được bố mẹ động viên, ủng hộ nhiệt tình.
“Khi tình hình dịch COVID-19 phức tạp, tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều F0 phải điều trị tại nhà. Bản thân Nhi là một sinh viên Y khoa được góp chút sức lực vào công tác phòng chống dịch, mong muốn áp lực của các anh chị y tế, bác sĩ sẽ nhẹ hơn và sớm về đoàn tụ cùng người thân. Chỉ cần có tinh thần thì tình nguyện ở đâu hay như thế nào đều đáng quý, vì thế hãy cống hiến khi còn trẻ”, Nhi chia sẻ.
Khi mới tham gia chương trình, Nhi được tập huấn giới thiệu về mạng lưới, cách thức, quy trình hoạt động, chuyên môn liên quan đến xác nhận nguy cơ cũng như hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân, kèm theo đó là các kỹ năng giao tiếp, cách sử dụng phần mềm để giao tiếp với bệnh nhân…
Theo Nhi, ngày đầu, cầm danh sách bệnh nhân gọi tư vấn, cô khá lúng túng, vì chưa từng tư vấn qua điện thoại. Có những trường hợp, khi cô vừa gọi tới họ nghi ngờ lừa đảo, Nhi hơi buồn. Sau đó, bằng sự kiên nhẫn và kiến thức chuyên môn, cô bạn nhẹ nhàng giải thích tận tình để bệnh nhân hiểu và tin tưởng, từ đó họ chia sẻ tình trạng sức khỏe cũng như những khó khăn mà họ gặp phải.
“Lúc đầu, tôi chỉ tư vấn được 5 – 6 bệnh nhân/ngày, sau đó, quen việc có ngày 32 bệnh nhân. Tôi gọi liên tục trong thời gian 14 ngày. Khi người bệnh không còn triệu chứng, test âm tính thì tôi sẽ ngưng gọi, tiếp tục hỗ trợ những bệnh nhân mới. Sau hai tháng, tôi đã tư vấn được 153 bệnh nhân F0. Nhiều người khỏi bệnh. Hiện tại, tôi đang đồng hành cùng 42 bệnh nhân”, Nhi nói.
Theo nữ sinh ngành y, những lần tư vấn đã để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng niềm vui, hạnh phúc. Đó đôi khi chỉ là lời động viên của bệnh nhân sau mỗi cuộc gọi kết thúc như: “Chú cảm ơn cháu, cháu nói chuyện rất dễ thương”; “Nhớ ngày nào cũng gọi cho cô nhé, cô luôn chờ điện thoại của cháu”; “Cảm ơn em, nghe giọng em là có thêm tinh thần động lực…”
Nhi bộc bạch, điều quý giá nhất khi tham gia vào chương trình chính là kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, một trong những kỹ năng quan trọng đối với một sinh viên Y khoa. Cách tiếp cận bệnh nhân tốt sẽ mang lại lòng tin và sự hợp tác của họ, điều này sẽ giúp việc chẩn đoán được chính xác và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Theo cô Nguyễn Thị Bích Hạnh – Bí thư Đoàn trường Đại học Buôn Ma Thuột, bên cạnh lực lượng tình nguyện viên trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch, có những bạn vì điều kiện không cho phép, chọn cách tham gia hỗ trợ từ xa. Điển hình là Đặng Thy Nhi đăng ký tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” nhằm hỗ trợ, tư vấn và đồng hành cùng bệnh nhân mắc COVID-19. Thy Nhi là sinh viên năng động, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.
“Giữa tình hình dịch diễn biến phức tạp, đáp lại lời kêu gọi của Sở Y tế tỉnh nhà, hàng trăm sinh viên và giảng viên của trường lên đường về các địa phương tham gia phòng chống dịch. Trường đã tập hợp một đội hơn 300 tình nguyện viên được tập huấn, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức sẵn sàng tham gia vào đội ứng phó nhanh”, cô Hạnh cho biết thêm.
Nguyễn Thảo
Theo: Tiền Phong