Phạm Nguyễn Linh Đan là cựu học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và nhận được học bổng toàn phần của ĐH La Salle (Mỹ) khóa 2017 -2021. Năm đầu tiên du học, Linh Đan đã cho ra đời cuốn sách “18 tuổi và chuyến phượt solo đầu đời trên đất Mỹ” (Nxb Hội Nhà văn). Tiếp đó, năm thứ hai là cuốn sách “Nước Mỹ, ký sự đường xa năm 19 tuổi” (Nxb Thanh niên). Hành trình chinh phục nước Mỹ và chinh phục những thử thách do chính bản thân đặt ra của cô gái trẻ đến từ Đà Nẵng vẫn chưa dừng lại với cuốn sách dự định sẽ phát hành: Nước Mỹ, đi bao lâu thì hết?
Tự tin, cẩn thận và phiêu lưu
Nước Mỹ hiện có hơn 1 triệu du học sinh từ khắp các quốc gia, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Canada, Việt Nam… Riêng Việt Nam có trên dưới 20.000 du học sinh theo học từ cấp trung học, đại học, và sau đại học. Linh Đan chia sẻ: Phần lớn du học sinh Việt Nam ở Mỹ ngại di chuyển, phần vì sợ tốn kém, phần vì cảm thấy bất an. Điều này khiến nhiều người học ở Mỹ rơi vào hội chứng “bong bóng”, sống khép kín trong trường, và khi rời xa vẫn không có nhiều những hiểu biết về nước Mỹ.
Để phá vỡ hội chứng “bong bóng” thường gặp này, Linh Đan quyết định tranh thủ các kỳ nghỉ để thực hiện các chuyến đi dài ngày. Chuyến đi đầu tiên thực hiện trong kỳ nghỉ đông của năm học thứ nhất: trong 10 ngày, cô gái trẻ đã “ta ba lô” qua 4 thành phố lớn của 4 bang phía đông bắc nước Mỹ với chi phí rất tiết kiệm, 43 USD. Chuyến đi thứ hai, kéo dài 2 tuần, đi qua 6 thành phố lớn của 5 bang vùng Trung Mỹ. Tổng chi phí lần này vào khoảng 250 USD.
Tất cả cẩm nang phượt thủ kiểu “con nhà nghèo” từ việc thiết kế chuyến đi, săn tìm vé rẻ và có được chỗ ở nhờ tại nhà cư dân bản địa hoàn toàn miễn phí với chiếc đũa thần “Couch surfing” (mạng homestay phi lợi nhuận toàn cầu) và những trải nghiệm thú vị, ly kỳ trên từng chặng đường đều được Linh Đan ghi chép lại một cách chân thực và hào hứng trong 2 cuốn sách đã xuất bản. Làm được tất cả điều đó, bởi Linh Đan nắm giữ tinh thần: Tự tin, cẩn thận và phiêu lưu!
“Đất nước nào cũng có mặt trái, mặt phải, mặt tốt, mặt chưa hoàn thiện. “Giấc mơ Mỹ” màu hồng cũng sẽ có những gam màu xám đằng sau ánh hào quang của nó. Cá nhân Linh Đan ấn tượng bởi sự văn minh hiện đại bậc nhất của nước Mỹ: cơ sở hạ tầng hiện đại nhất, công nghệ tiên tiến nhất, máy móc với hiệu suất cao nhất…, Linh Đan chia sẻ. Thế nhưng, điều làm cô gái trẻ ngạc nhiên hơn cả là sự văn minh hiện đại trong tư tưởng và lối sống của con người nơi đây. Tất nhiên, bên cạnh đó, những mặt tối cũng rõ nét và chân thực từ tệ nạn xã hội, nạn phân biệt chủng tộc đến khoảng cách giàu nghèo lớn không tưởng cũng như đầy rẫy những vấn đề nhức nhối khác. Tuy nhiên, khó thể nói có điều gì làm em thích thú hay vỡ mộng so với hình dung, chỉ là Linh Đan thực sự được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm.
Tuổi thanh xuân rực rỡ
Phạm Nguyễn Linh Đan không chỉ biết đi phượt. Cô gái này còn sắp xếp thời gian để làm thêm kiếm tiền chi trả sinh hoạt và thực hiện nhiều hoạt động với vai trò là Chủ tịch Ban điều hành CLB Giao lưu văn hóa sinh viên Á- Mỹ AASIA và Ủy viên Ban điều hành CLB Marketing Mỹ AMA của ĐH La Salle. Ngoài ra, Linh Đan còn là thành viên nhóm nhảy L8NITE. Một trong những thành công của Linh Đan tại ĐH La Salle là gầy dựng lại CLB Giao lưu văn hóa sinh viên Á- Mỹ. CLB này từng là một trong những CLB tiếng tăm nhất tại ngôi trường này cho tới khi bị giải tán khoảng 3 năm trước. Khi vào ĐH La Salle, nhận thấy màu sắc văn hóa châu Á khá mờ nhạt, Linh Đan đã liên lạc với các cố vấn CLB lập kế hoạch, thực hiện các thủ tục giấy tờ và xây dựng phương hướng hoạt động. Tới nay, CLB Giao lưu văn hóa sinh viên Á- Mỹ đã tạo lập được 1 môi trường, 1 sân chơi gắn kết- nơi mà cộng đồng sinh viên châu Á thể hiện được bản sắc văn hóa riêng trong cộng đồng văn hóa đa chủng tộc của trường ĐH La Salle, bang Philadelphia, Mỹ.
Linh Đan cũng có những trải nghiệm đáng nhớ với phương pháp giáo dục khai phóng tại ngôi trường này. Dù theo học ngành Tài chính- Marketing, nhưng 2 năm đầu tiên, cô gái trẻ này phải học các kiến thức nền tảng về văn, sử, triết. Những môn này không chỉ khó khăn đối với Linh Đan mà còn tạo thử thách đối với những sinh viên bản ngữ. Cô phải đọc rất nhiều sách, phân tích chuyên sâu và viết rất nhiều bài luận. Nhưng bù lại, Linh Đan được tham gia rất nhiều giờ ngoại khóa như đi bảo tàng, đi xem kịch, đi nghe nhạc giao hưởng… Dần dần, em yêu thích những môn học này lúc nào không hay và nhận ra rằng kiểu giáo dục khai phóng này rất hiện đại và toàn diện.
Tuổi thanh xuân rực rỡ của Linh Đan, với những chặng đường em đi qua, với những tri thức toàn diện em đang được tiếp cận đã giúp những suy nghĩ và cảm xúc của cô gái trẻ ngày càng trưởng thành.
Và với mỗi cuốn sách viết từ phương xa được phát hành, Linh Đan đã dành lại 1 đô la Mỹ để gởi tặng cho các Quỹ dành cho trẻ em nghèo ở miền Trung- Việt Nam, quê hương em.
PHẠM HỒNG LIÊN
Nguồn: Công An Nhân Dân