Hiện đang có nhiều ý kiến lo ngại về việc ‘bùng nổ’ các kỳ thi riêng của các trường đại học (ĐH) gây tốn kém, vất vả cho thí sinh và xã hội. Yêu cầu đặt ra là tăng tự chủ nhưng phải rốt ráo gắn với trách nhiệm của các trường ĐH, đặc biệt là giám sát tuyển sinh.
Tăng quyền tự chủ tuyển sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021 với định hướng đảm bảo tính thống nhất, công bằng cho học sinh cả nước nhưng cũng có độ mở và sự linh hoạt cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.
Trên thực tế, những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng không chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường mà còn kết hợp rất nhiều các phương thức tuyển sinh khác không phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp như xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với phỏng vấn, tổ chức các kỳ thi riêng… Theo các chuyên gia, điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng tăng tính tự chủ trong tuyển sinh của các trường nằm trong lộ trình triển khai tự chủ theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, dù tuyển sinh theo phương thức nào cũng cần giải quyết 2 vấn đề: Tuyển đủ chỉ tiêu và đảm bảo chất lượng. Đối với mùa tuyển sinh năm 2022 và những năm tới, quan điểm của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và nhiều trường khác là phải giữ được quyền lợi cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng. Vì vậy, các trường ĐH top trên và nhiều chương trình đào tạo của trường top giữa đều mong muốn tạo được một căn cứ tốt như kỳ thi “3 chung”, đồng thời duy trì được cách xét tuyển cho phép thí sinh được thoải mái đăng ký nguyện vọng.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang xây dựng một hệ thống đánh giá riêng, cụ thể là tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, để làm căn cứ lựa chọn thí sinh. Dự kiến trường sẽ tổ chức kỳ thi này nhiều lần trong năm, sẽ khai giảng khóa mới 2 lần trong năm, vào học kỳ mùa thu và học kỳ mùa xuân giống như thông lệ quốc tế. Các trường kỹ thuật công nghệ, hoặc những trường nguồn tuyển dựa vào thí sinh dự thi các môn khoa học tự nhiên có thể dùng chung kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc tổ chức thi tại các địa phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng rất khó khăn, phải có sự chuẩn bị cả về kỹ thuật, tài chính, nếu tổ chức không khéo sẽ bị… lỗ, mà lỗ thì không còn ai dám làm. Vì vậy, mong muốn các trường hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung… mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra là đúng nhưng có lẽ chỉ thực hiện được trong tương lai, khi đã có đủ thời gian chuẩn bị, chứ không thể thực hiện được ngay trong năm 2022.
Trong khi đó, đại diện 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, các kỳ thi ĐGNL do trường tổ chức sẽ tiếp tục được triển khai ở năm sau và các năm tiếp theo.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến những ngành có tỷ lệ chọi cao sẽ tuyển dựa vào kết quả thi ĐGNL, vì nếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là sẽ rất khó khăn. Ngành nào điểm chuẩn vừa thì vẫn sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang tính toán để tăng thêm bài thi ĐGNL chuyên biệt nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của một số trường ngay trong ĐH Quốc gia Hà Nội và những trường ngoài như khối an ninh, quân đội, khối y dược.
Đảm bảo quyền lợi thí sinh
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam khuyến cáo: Không thể quay trở lại hình thức mỗi trường tổ chức thi tập trung một đợt, thậm chí thi nhiều đợt như trước đây rất vất vả cho thí sinh và cả xã hội. Các trường cần tính toán với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để thực hiện các bài thi, bài kiểm tra phù hợp với tiêu chí của nhà trường mà thí sinh không phải di chuyển như phỏng vấn trực tuyến, thực hiện các bài thi trắc nghiệm trên máy tính…
“Nhìn chung, việc “bắt tay” trong công tác tuyển sinh giữa các trường cùng khối ngành, nhóm ngành là cần thiết để tránh bùng nổ các kỳ thi riêng, giảm tốn kém và áp lực cho các thành phố lớn khi thí sinh đổ về thi và xét tuyển”- ông Khuyến nêu ý kiến.
Chia sẻ quan điểm này, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, các trường ĐH cùng khối ngành, nhóm ngành, cùng chung sứ mệnh, phù hợp điều kiện địa lý… nên có sự liên kết lại với nhau để xét tuyển. Điều này không chỉ tiết kiệm cho thí sinh, gia đình và toàn xã hội mà còn tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Muốn vậy các trường phải ngồi lại với nhau để thống nhất quan điểm, phương thức và có kế hoạch sớm trong tuyển sinh để công khai thông báo cho thí sinh được biết.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, xu hướng các trường sẽ ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn là đúng. Tuy nhiên, việc cân đối chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh vẫn là điều cần phải tính toán kỹ bởi có thể gây sốc cho thí sinh và xã hội nếu giảm đột ngột chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Vị này cũng khẳng định sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để bảo đảm hài hòa xu hướng này.
Lam Nhi
Theo: Đại Đoàn Kết