Gần 1 tháng rưỡi sau khai giảng năm học mới, học sinh ở 23 tỉnh, thành phố được đến trường học trực tiếp; 31 địa phương dạy học trực tuyến hoàn toàn. Các ‘vùng xanh’ đang tận dụng ‘thời gian vàng’ để dạy học trực tiếp.
Theo Bộ GD&ĐT, đến nay, 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non tới THPT.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, cho biết, ngay sau lễ khai giảng năm học mới, học sinh được đến trường học trực tiếp, Sở đã chỉ đạo tất cả các trường tăng số buổi học/tuần nên đến thời điểm này đã “chạy” trước chương trình 1 tuần. Cộng với thời gian dự trữ, giảm tải, thầy trò các trường đang có 3-4 tuần để phòng trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất ngờ. Theo ông Chiến, địa phương xác định học sinh được đến trường học trực tiếp là khoảng “thời gian vàng”, do đó phải tận dụng tối đa để dạy học theo chương trình, củng cố kiến thức cốt lõi, giảm các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại để phòng chống dịch. Với khối học sinh cuối cấp, Sở GD&ĐT giao cho các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi.
Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các trường tận dụng “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp, đồng thời chuẩn bị cho mọi tình huống để sẵn sàng chuyển phương thức. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, cho biết, tất cả các trường được chỉ đạo tranh thủ cả 2 buổi dạy học theo chương trình tinh giản mà Bộ GD&ĐT hướng dẫn. Với học sinh lớp 1, lớp 2, các trường ưu tiên dạy môn Tiếng Việt, Toán để học sinh sớm hình thành kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, tính toán… Sở GD&ĐT cũng duy trì 10% thời gian cho học sinh học trực tuyến ôn tập kiến thức. “Với cấp THCS, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường dạy đủ số buổi trực tuyến, riêng học sinh tiểu học kỹ năng còn yếu, số lượng buổi có thể du di. Việc này phòng trường hợp dịch bệnh bất ngờ tấn công, các trường có thể chuyển phương thức dạy học, học sinh không bị bất ngờ”, ông Tuấn nói.
31 địa phương dạy học trực tuyến hoàn toàn
Theo Bộ GD&ĐT, hiện có một số địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Sơn La, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa. Có 31 tỉnh, thành phố chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Tại Hà Nội, học sinh nghỉ học từ tháng 5 để phòng chống dịch và học trực tuyến từ tháng 9 đến nay. Hiện nhiều ý kiến cho rằng, ở những nơi cả tháng nay không phát sinh ca bệnh mới, Hà Nội nên cho học sinh tựu trường. Nếu qua 1-2 tuần, học sinh đến trường an toàn thì nên mở rộng các quận, huyện khác. Theo nhiều phụ huynh, việc học trực tuyến kéo dài không đảm bảo chất lượng, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe học sinh, chưa kể, một số em đã lợi dụng học online để chơi điện tử. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa công bố thời điểm học sinh được trở lại trường học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, ông Mai Huy Phương nói rằng, việc cho học sinh trở lại trường phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Ban đầu, học sinh học trực tuyến gặp một số khó khăn, nhất là với các em lớp 1, lớp 2. Nhưng sau một thời gian, học sinh và phụ huynh quen với phương thức học tập mới. Khoảng 200 học sinh Quảng Trị đang mắc kẹt tại các địa phương khác chờ phụ huynh đón về mới có thể nhập học.
Tỉnh Hà Nam buộc phải dừng dạy học trực tiếp từ ngày 21/9 đến nay vì có nhiều học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Chiều 10/10, trả lời phóng viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Quốc Tuấn, cho biết, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế; khoảng 100 giáo viên, học sinh mắc COVID-19 đã được đưa đi điều trị tại các cơ sở y tế. “Trong tuần này, tỉnh Hà Nam chưa tính đến phương án cho học sinh quay trở lại trường vì vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, hơn 200.000 học sinh các cấp sẽ vẫn tiếp tục học trực tuyến đến khi dịch ổn định”, ông Tuấn nói.
Hà Linh
Theo: Tiền Phong