Chân dung người gieo hạt

Nếu ai có dịp về thăm trường THPT Lê Lợi có lẽ đều cảm nhận được một bầu không khí thân ái, đoàn kết, vui vẻ của các Thầy cô giáo, những người đồng nghiệp trong trường. Đặc biệt, nếu ai có dịp tiếp xúc với Thầy Lê Xuân Trung- Hiệu trưởng của trường, có lẽ đều có chung cảm nhận rằng Thầy là một người hiền từ, thân thiện và vui tính.

Để đạt được thành công và trở thành Hiệu trưởng của trường THPT Lê Lợi như ngày hôm nay, Thầy Trung đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Ít ai biết được rằng, quá khứ của người Thầy đầy ảnh hưởng và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục này cũng không mấy suôn sẻ.

Thầy sinh ra trên mảnh đất nghèo Hoằng Hóa – Thanh Hóa, giữa những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Cha đi chiến trường và đã hi sinh khi đang chiến đấu. Từ nhỏ, Thầy đã không được gần gũi cha, ngay cả cái tên “Lê Xuân Trung” cũng là do người chú đặt cho.Hình ảnh người cha là những kỉ niệm ngắn ngủi trong đợt phép cuối cùng trước khi cha hi sinh mà mẹ thường kể lại. Tuổi thơ Thầy gắn liền với những ngọn dừa xanh rờn, những chiều chăn trâu đá bóng bưởi. Cậu bé mồ côi cha ngày đó thường giúp bạn học bài để đổi lấy mấy quả cau dành làm quà biếu mẹ. Lớn thêm chút nữa, thương mẹ, thương ngoại, thương quê nghèo, cậu quyết học thật giỏi để thực hiện ước mơ làm được những điều tốt đẹp nhất cho quê hương, cho những người thân yêu. Phải chăng ước mơ đẹp đẽ ấy đã khai sáng tâm hồn và trí tuệ để Thầy học thật xuất sắc, trở thành niềm tự hào của bà con làng xóm thuở ấy.

Từ người lính trở thành Thầy giáo

Rời quê hương, Thầy Trung vào trường đại học để phấn đấu trở thành một sĩ quan quân đội, tiếp theo bước người cha kính yêu. Khó khăn đầu tiên gặp phải là chất giọng xứ Thanh bị bạn bè chê cười, Thầy quyết tâm sửa, nói chuẩn giọng phổ thông và quyết tâm học thật giỏi để không ai có thể chê cười người xứ Thanh. Thế nhưng một trận ốm làm thay đổi cả diện mạo đã khiến Thầy không thể tiếp tục theo sự nghiệp mà mình đã chọn. Rồi như một bước ngoặt của định mệnh, Thầy rời quân ngũ, làm công việc dạy Ngoại ngữ tại một ngôi trường ở Kim Bôi – Hòa Bình. Ngày tháng ấy, những lúc trông lò nung vôi, kéo vó tôm, đi giao kẹo lạc để cải thiện đời sống, Thầy vẫn tìm tòi trăn trở: làm sao để bài giảng có thể đến được từng đối tượng học sinh, làm sao cho việc học trở thành nhu cầu tự bên trong của mỗi người học…Kể từ đây, cái hồn cốt của một nhà giáo dục trong Thầy đã được khơi dậy, được đốt cháy thành khát vọng mãnh liệt muốn được vun đắp, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn và trí tuệ cho thế hệ trẻ.

Những năm tháng thời hoa đỏ

Năm 1989, Thầy được điều động về công tác tại Sở GD&ĐT Hà Sơn Bình, sau này là Sở GD&ĐT Hà Tây, sau sáp nhập Thủ đô trở thành Sở GD&ĐT Hà Nội. Hỏi về Thầy trong suốt thời gian gần 20 năm công tác gắn bó với ngành giáo dục Hà Sơn Bình – Hà Tây (nơi Thầy đã coi như quê hương thứ hai của mình), người ta không nhớ đến những cương vị công tác mà Thầy đã từng đảm nhiệm mà nhớ đến Thầy như một người đã có nhiều đóng góp thật ý nghĩa cho ngành giáo dục và đào tạo của một tỉnh: phát triển hệ Chuyên, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi…. Nghe nói vậy, Thầy chỉ cười và bảo: “Tớ có công lao gì đâu, chỉ là suy nghĩ việc cần phải làm cho phong trào là tớ làm”. Quả thật, Thầy đã làm nhiều việc mà mọi người ít hình dung đến. Khi là chuyên viên Ngoại ngữ, Thầy không chỉ đứng trên bục giảng mà còn đi kê giường, lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho học sinh đội tuyển Tỉnh tập trung ôn thi xa gia đình. Thầy sẵn sàng về cơ sở, dự giờ, góp ý rồi thức cùng các đồng nghiệp đến nửa đêm để xây dựng một tiết dạy giỏi. Có người hỏi: làm giáo dục sao lại tổ chức nhiều Hội diễn, Hội thi Văn nghệ hoành tráng thế? Thầy trả lời: Thầy cô say hát thì cũng say dạy học, tạo một sân khấu cho con trẻ múa, hát, diễn khẳng định mình… cũng là một cách giáo dục. Và những Hội thi tiếng hát Thầy và trò thường niên của tỉnh Hà Tây ngày ấy đã gắn kết Thầy và trò trong một sân chơi chung, một niềm say mê chung. Ở lĩnh vực công tác nào được giao, Thầy cũng để lại những dấu ấn và đều là những dấu ấn đầu tiên đầy kỉ niệm: Lần đầu tiên đoàn Hà Tây dành Huy chương vàng toàn đoàn trong Liên hoan Tiếng hát học sinh sinh viên toàn quốc năm 1993, giải quốc tế về Ngoại ngữ, Tin học, Lần đầu tiên giải Nhất toàn quốc giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc đầu tiên.

Ấy vậy mà, sau gần 20 năm công tác, Thầy không có một giấy khen, một huy chương nào cho hành trang cá nhân.

Người Thầy ra trận:

Sau sự kiện mùa thi năm 2006, có một trường THPT ở Hà Tây bỗng trở thành tâm điểm chú ý của cả nước, khi ngành GD&ĐT Hà Tây đang băn khoăn tìm kiếm người lãnh đạo mới cho “điểm nóng giáo dục” này thì Thầy tình nguyện rời ghế Phó phòng GDCN của Sở đến nhận “ghế nóng” Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo. Lúc ấy, bạn bè, người thân không khỏi lo âu, thậm chí ngăn cản, nhưng Thầy vẫn quyết tâm ra đi nhận nhiệm vụ mới với tinh thần của người lính ra trận không ngại khó khăn, Thầy đến mảnh đất đầy gió bão ấy với bao ước mơ của một nhà giáo dục đang được ủ mầm chờ ngày gieo hạt.

Ở cương vị mới, Thầy lại làm những việc “không giống ai”: đóng cổng trường trước giờ vào lớp 5 phút, thực hiện kỉ luật nghiêm minh với cả Thầy cô giáo và học sinh; thảo luận dân chủ trực tiếp với toàn thể học sinh, toàn thể phụ huynh học sinh nhà trường; lấy phiếu tín nhiệm của toàn thể học sinh đối với từng cán bộ lãnh đạo và giáo viên; liên tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi tập thể, các giải TDTT, tổ chức các hội thảo khoa học trong trường mà thành phần gồm cả Thầy cô giáo và học sinh, tổ chức và hỗ trợ kinh phí lớp học ngoại ngữ cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên…Ban đầu, Thầy vấp phải không ít sự phản đối trong dư luận, phụ huynh, học sinh, và ngay cả đội ngũ giáo viên nhà trường, nhưng khi những việc làm cụ thể và thiết thực ấy phát huy hiệu quả, mọi người bắt đầu tin, nghe và làm theo. Những tư tưởng giáo dục tiên tiến mà Thầy đang thực hiện đã từng bước được chứng minh.

Những lời nói tâm huyết của Thầy không còn khó hiểu, xa vời mà đã trở thành phương châm làm việc của các bạn đồng nghiệp: “Chúng ta đứng trên bục giảng với với niềm kiêu hãnh, ý thức trách nhiệm của một người Thầy.” “Hãy làm thế nào để bài giảng trở nên gần gũi nhất, dễ tiếp thu nhất với từng học trò trong lớp.”, “Hãy chia sẻ với các em học sinh bằng tất cả tình yêu thương của chúng ta dành cho con trẻ ngay trên mỗi giờ lên lớp.” “Tạo nhiều sân chơi cho con trẻ để các em được thể hiện năng lực, rèn luyện kĩ năng sống bởi các em sẽ học được nhiều điều trong khi chơi hơn cả trong những bài giảng trong sách vở.”…

Hơn sáu năm làm Hiệu trưởng nhà trường, điều Thầy làm được cho THPT Vân Tảo không chỉ đơn giản là bảng thành tích giáo viên giỏi cấp Thành phố với đủ các giải Nhất, Nhì, Ba ở nhiều bộ môn như Toán, Văn, Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, GDCD; cũng không chỉ đơn giản là nhiều giải Nhất, Nhì hàng năm trong các Hội thi giai điệu tuổi hồng, Tiếng hát Thầy và trò cấp Tỉnh – Thành phố, cũng không đơn giản là kết quả thi Tốt nghiệp THPT và thi Đại học, cao đẳng mỗi năm tăng tiến khoảng 10% trong khi điểm đầu vào ở tốp thấp của thành phố Hà Nội. Hơn hết thảy, Thầy đã làm được là đưa trường THPT Vân Tảo từ một cơ sở giáo dục còn nhiều tồn tại yếu kém trở thành một mô hình mới của ngành giáo dục đào tạo Thủ đô. Một ngôi trường với cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phục vụ dạy và học hiện đại, môi trường giáo dục xanh, đẹp và thân thiện, những hoạt động giáo dục đa dạng thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện, một đội ngũ vững vàng chuyên môn, tâm huyết với nghề, có nhu cầu học hỏi để tiến bộ. Sự tin yêu, ủng hộ mà học sinh, phụ huynh và nhân dân trong vùng dành cho nhà trường cũng chính là dành cho Thầy – người Hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm vì học sinh thân yêu.

Chân dung Thầy Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi

Người đi gieo hạt

Sau nhiều năm công tác, cống hiến sức trẻ cho con em xã Vân Tảo (Thường Tín- Hà Nội), năm 2013, Thầy Lê Xuân Trung đã được Uỷ ban Nhân Dân Thành phố cũng như sở GD&ĐT Hà Nội tin tưởng giao phó và luân chuyển, điều động về giữ chức Hiệu trưởng trường THPT Chất Lượng Cao Lê Lợi (Hà Đông).

Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Thầy Trung đã gặp không ít khó khăn, từ khâu điều hành nhà trường, thiết lập nội quy, tuyển chọn đầu vào giáo viên cũng như việc dìu dắt, hướng dẫn những em học sinh, …

Với trọng trách đây là ngôi trường THPT đầu tiên của thành phố được giao nhiệm vụ xây dựng trường THPT công lập chất lượng cao, Thầy Trung luôn ý thức được rằng, Thầy và trò trường THPT Lê Lợi sẽ phải cùng nhau nỗ lực để từng bước đưa chất lượng nhà trường đi lên, phát triển trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của nền giáo dục thủ đô.

Lời kết

Chỉ sau 3 năm học thí điểm, Thầy giáo Hiệu trưởng Lê Xuân Trung đã chứng minh được năng lực điều hành cũng như tâm huyết của mình khi cả Thầy và trò của trường THPT Lê Lợi đang từng bước phát triển vượt bậc, gặt hái được nhiều thành tích vẻ vang xứng đáng với sứ mệnh mà các cấp lãnh đạo giao phó.

Với cương vị là một người lãnh đạo, là người đứng đầu cơ quan, gánh vác trọng trách chỉ đạo chung mọi hoạt động của nhà trường, Thầy Lê Xuân Trung lại tiếp tục cống hiến tâm sức của mình cho sự nghiệp trồng người.

Tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với lòng say mê nghề nghiệp và tầm nhìn của một nhà quản lí giàu kinh nghiệm đầy tâm huyết, Thầy đã có nhiều giải pháp pháp tích cực trong chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Không chỉ vậy, Thầy luôn là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh trong trường noi theo về tất cả mọi mặt.

Trong thời gian qua, với những nỗ lực không ngừng của Thầy Lê Xuân Trung – người hiệu trưởng vừa có “tâm” vừa có “tầm” này đã đưa trường THPT Lê Lợi ngày càng phát triển, trở thành một đơn vị giáo dục uy tín, đạt nhiều giải cao trong các phong trào chuyên môn, văn nghệ. Cụ thể qua các cuộc thi nghiên cứu khoa học – kĩ thuật Intel trong 5 năm học vừa qua thầy và trò trường THPT Lê Lợi đã đạt được các thành tích đáng tự hào: 4 giải nhì, 3 giải ba cấp Quốc Gia; 2 giải nhất, 6 giải nhì, 2 giải ba cấp Thành phố.  

Trường THPT Lê Lợi luôn xác định sẽ đồng hành cùng sự tiến bộ của xã hội. Nhà trường có nhiệm vụ mang được những tri thức tiến bộ, những nét văn minh tiến bộ đến với học sinh thân yêu; thường xuyên khuyến khích, chỉ dẫn, động viên học sinh của mình trau dồi kiến thức để trở thành những công dân có ích.

Đồng thời, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của Thầy Lê Xuân Trung, các Thầy cô giáo trường THPT Lê Lợi luôn ý thức được sứ mệnh của mình, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân để xứng đáng với niềm tin yêu của phụ huynh học sinh.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *