Cô gái đầu tiên ở bản Rào Tre đỗ đại học

Bố hai lần bỏ đi, mẹ đi giúp việc xa nhà, Hồ Thị Sương vừa chăm sóc ba em, vừa ôn luyện, trở thành người đầu tiên ở bản Rào Tre đỗ đại học.

Bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, là nơi cư trú của tộc người Chứt (còn gọi là người Mày, Rục, A Rem) với 46 hộ dân và 157 nhân khẩu. Cả bản ba hôm nay vui mừng khi biết tin Sương trúng tuyển vào Khoa Sư phạm, ngành Giáo dục mầm non, Đại học Hà Tĩnh, với 22,88 điểm.

Sương có bố mẹ là người Kinh, tuổi thơ nhiều biến động. Năm một tuổi bố bỏ đi, bà Đinh Thị Mai (hiện 50 tuổi, mẹ Sương) kết hôn với một người đàn ông Chứt, chuyển vào bản Rào Tre sống và làm hồ sơ cho con theo họ của bố dượng. Vài năm sau, sau khi sinh thêm ba con, bà Mai chia tay chồng. Để có tiền nuôi con, bà đi giúp việc, chị em Sương ở nhà tự chăm sóc nhau.

Hồ Thị Sương sắp trở thành tân sinh viên Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Hùng Lê
Hồ Thị Sương sắp trở thành tân sinh viên Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Hùng Lê

Bốn chị em Sương sinh hoạt trong căn nhà gỗ lụp xụp rộng hơn 60 m2. Bên trong có vài chiếc nồi, bát đũa cũ kỹ, tài sản giá trị nhất là bộ bàn ghế nhựa mà các đứa trẻ thường dùng để học bài. Hàng ngày Sương thay mẹ nấu ăn, giặt quần áo, dạy dỗ ba em… Đến nay, em trai thứ hai 17 tuổi đã nghỉ học đi làm thuê ở Nghệ An, em trai thứ ba 15 tuổi đang học trường nội trú ở thị trấn Hương Khê, cậu út 9 tuổi học Tiểu học tại xã Hương Liên.

Những năm Sương theo học tại trường THCS – THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đóng ở thị trấn Hương Khê, ba em được bà ngoại sống trong xã đến ở và chăm sóc. Ngày nghỉ cuối tuần, Sương bắt xe buýt vượt gần 30 km về Rào Tre dọn dẹp nhà cửa, làm một số việc đồng áng. Nhiều năm qua, gia đình em làm một sào ruộng, mỗi năm gieo cấy hai vụ để đỡ tiền mua gạo.

Bản Rào Tre xa trung tâm huyện Hương Khê, đời sống thấp. Tộc người Chứt kể từ khi được bộ đội biên phòng phát hiện vào năm 1991 và đưa về đây ở đến nay còn lạc hậu, tồn tại tình trạng hôn nhân cận huyết (anh em họ hàng lấy nhau).

Lớn lên trong cảnh thiếu thốn, Sương từng trải hơn so với các bạn cùng trang lứa. Nhiều lúc đi học em tự ti và bi quan, cảm thấy áp lực vì tiếp thu chậm. Em từng suy nghĩ tốt nghiệp THPT sẽ đi làm thuê để đỡ đần cho gia đình. Tuy nhiên, năm lớp 11, nữ sinh thay đổi ý định khi được cô chủ nhiệm khuyên bảo. Sương đặt quyết tâm vào đại học để mọi người nhìn mình bằng một con mắt khác và trên hết là làm cho mẹ vui.

Căn nhà mà gia đình Sương đang sinh sống ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Ảnh: Hùng Lê
Căn nhà gia đình Sương đang sinh sống ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Ảnh: Hùng Lê

Nhận thấy bản thân có năng khiếu ca hát và yêu thích trẻ thơ, Sương chọn học khối M01 gồm Ngữ Văn, Năng khiếu 1 (đọc và kể chuyện) và Năng khiếu 2 (hát và nhạc). “Trẻ em dân tộc Chứt thiệt thòi, học tiếp thu không nhanh bằng các bạn, bố mẹ ít quan tâm đến việc học tập của con. Em muốn làm giáo viên để sau này giúp đỡ các em”, Sương nói về lý do chọn ngành Sư phạm mầm non.

Sương nộp hồ sơ vào khoa Sư phạm, ngành Giáo dục mầm non của Đại học Hà Tĩnh. Kết quả, cộng cả điểm xét tuyển Ngữ văn và hai môn năng khiếu, Sương đạt 22,88 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên, tổng là 25,63, trong khi đó điểm chuẩn của trường là 19.

“Hôm thi năng khiếu em rất lo và hồi hộp, sợ không đỗ, ngồi thất thần giữa sân trường một hồi lâu. Cô chủ nhiệm sau đó gọi điện khuyên nên bình tĩnh, biết đâu sẽ có điều bất ngờ. Lúc biết chắc chắn trúng tuyển, em gọi điện thông báo với mẹ, bà không nói câu nào mà khóc sụt sùi”, Sương chia sẻ.

Cô Trần Thị Lê Na, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, trường THCS – THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đánh giá học trò xuất phát điểm thấp song rất cầu tiến, luôn nỗ lực vượt khó. “Sương học tốt các môn văn hóa. Những lần thi thử đại học tại trường đạt điểm chưa mong muốn, em gọi điện bảo rất lo lắng. Tôi động viên không được bỏ cuộc, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp. Việc Sương đỗ đại học đã tạo động lực cho nhiều học sinh trong trường”, cô Na cho hay.

Sương (ngoài cùng, góc phải) cùng cô chủ nhiệm và bạn trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Hùng Lê
Sương (ngoài cùng, góc phải) cùng cô chủ nhiệm và bạn trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Hùng Lê

Theo trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), Sương là người đầu tiên sống tại bản đỗ đại học. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận, minh chứng cho việc bà con đang nỗ lực vượt qua đói nghèo.

Tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ Sương một tháng một triệu đồng trong bốn năm đại học (mỗi năm được cấp kinh phí 10 tháng), nguồn này trích từ “Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

“Quỹ ưu tiên sinh viên đạt 3 môn trên 27 điểm, song Sương là trường hợp được đặc cách. Tỉnh muốn tạo điều kiện để nữ sinh hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo, nếu có thể thì sau này sẽ trở về hỗ trợ các em nhỏ tại bản làng phát triển tương lai”, ông Đoàn Đình Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, nói.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *