Thí sinh điểm cao trượt đại học: Vẫn còn cơ hội

Để tạo cơ hội cho những thí sinh đạt điểm cao chưa trúng tuyển đợt 1, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với một số trường đại học (ĐH) xem xét điều chỉnh chỉ tiêu và xét bổ sung một số ngành có điểm chuẩn cao.

Thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt đại học (xét tuyển đợt 1) vẫn còn cơ hội trúng tuyển Ảnh: Như Ý

Thông thường, đa số những trường, những ngành có điểm chuẩn cao không còn chỉ tiêu để xét tuyển các đợt sau. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với một số trường ĐH lớn về việc xem xét quyền lợi cho thí sinh điểm cao nhưng không đỗ ĐH. Các trường này sẽ xét tuyển bổ sung thí sinh có kết quả thi THPT 2021 cao và đạt ít nhất 27 điểm thực/3 môn. Tùy theo yêu cầu, điều kiện cụ thể, các trường sẽ công bố kế hoạch và chỉ tiêu tuyển bổ sung nhưng không vượt quá năng lực đào tạo, yêu cầu ngưỡng điểm tối thiểu đối với tùng ngành; tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế tuyển sinh, trong đó, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm đợt 1.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, với thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên, trường còn đủ năng lực đào tạo có thể xét tuyển vào các ngành nên phụ thuộc vào nhu cầu của chính thí sinh. GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, chủ trương của trường là chỉ xét tuyển thí sinh đạt từ mức điểm chuẩn ngành cao nhất của trường (28,3 điểm/tổ hợp) và chỉ xét tuyển vào những ngành còn chỉ tiêu.

Bộ GD&ĐT cho biết, có 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (cho 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào. Trong số này có tới có 97 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất vào khối trường công an, quân đội.

Hôm qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thông báo về việc xét tuyển thẳng vào hệ ĐH chính quy năm nay đối với thí sinh điểm cao chưa trúng tuyển đợt 1 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Để được nộp hồ sơ xét tuyển thẳng, thí sinh phải thỏa mãn 2 điều kiện là thí sinh dự thi THPT năm 2021 chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển trong đợt 1 mà chưa xác nhận nhập học (chưa nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT 2021); điểm nhận hồ sơ xét tuyển thẳng không được thấp hơn 26,75 (tổ hợp không có môn tiếng Anh) hoặc 27,25 (tổ hợp có môn tiếng Anh). Nhà trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển thẳng từ ngày 23/9 đến 17h ngày 28/9. Nhà trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển ngày 30/9.

Chuẩn mà không chuẩn

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng, cách giải quyết của Bộ GD&ĐT sẽ tạo ra các tiền lệ xấu. Bộ GD&ĐT nên đề ra các hướng giải quyết lâu dài hơn, khoa học hơn về chính sách thi cử, đánh giá chất lượng học sinh thay vì tìm cách “chữa cháy” như hiện nay. Thực tế cho thấy, năm học 2020-2021, sự ảnh hưởng của đại dịch còn nặng nề hơn năm học trước nhưng điểm thi tốt nghiệp của thí sinh lại cao hơn hẳn năm 2020. Chính điều này đã dẫn đến hàng loạt bất thường trong mùa tuyển sinh năm nay.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận định, đề thi có sự phân hóa nhưng kết quả thi lại không nói lên điều đó. GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng, tính phân loại của kỳ thi chưa tốt khi có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Một kỳ thi phân loại như thế được dùng làm cơ sở để tuyển sinh là không phù hợp. Có những trường lấy điểm chuẩn mức 30/30, trên 30/30 là điều không bình thường.“Sẽ thật bất cập nếu như học sinh giỏi với số điểm tuyệt đối nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, trong khi đó, trường phải lựa chọn những thí sinh có điểm ưu tiên. Như vậy là thiếu công bằng với người học”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, cần phải có một kỳ thi đảm bảo tính phân loại rõ hơn, tránh tình trạng để phổ điểm tập trung vào điểm 9, điểm 10 dẫn tới công tác tuyển sinh xảy ra những vấn đề bất thường. Bên cạnh đó, các trường ĐH cần phải có sự thay đổi về phương thức tuyển sinh, việc đánh trượt những học sinh có số điểm gần như tuyệt đối là chưa đạt được mục tiêu lựa chọn những thí sinh có năng lực.

Ông cho rằng, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh cũng là một trong những nhân tố khiến điểm chuẩn tăng cao. Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục ĐH áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh là điều phù hợp, thuộc về quyền tự chủ của trường và giúp họ tuyển được sinh viên theo đúng mục tiêu đào tạo của trường.

NGHIÊM HUÊ

Theo Zing.vn

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *