Giáo viên làm gì trong những ngày học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh?

Bây giờ học sinh được nghỉ học thì cũng đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ dạy bù trong những ngày tới đây chứ làm sao có thể bớt xén được bài học của học trò.

Sau một tuần học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra thì đến thời điểm này đã có nhiều địa phương tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa.

Việc học sinh nghỉ học có thể xem là trường hợp bất khả kháng và nằm ngoài kế hoạch ban đầu của ngành Giáo dục và các nhà trường.

Tuy nhiên, việc các em nghỉ học sẽ được học bù vào thời điểm thích hợp hoặc sẽ lùi lại thời điểm kết thúc năm học.

Khi học sinh nghỉ học, giáo viên có được nghỉ không? Giáo viên sẽ làm gì trong khoảng thời gian này?

Đây là điều mà đã có những phụ huynh quan tâm, phê phán và so sánh trên trang Facebook của mình trong những ngày qua.

Các trường học đã và đang tích cực khử trùng, vệ sinh trường lớp. (Ảnh minh họa: Trường Marie Curie)

Có lẽ, trong thâm tâm của mỗi nhà giáo không ai muốn mình phải nghỉ dạy, học sinh phải nghỉ học (nếu không có dịch bệnh) bởi dù nghỉ trong lý do nào thì cả thầy và trò cũng đều phải dạy bù, học bù- đó đã là quy định bắt buộc đối với ngành giáo dục.

Vậy nhưng, trên các trang mạng xã hội mấy ngày nay có ý kiến phê phán ngành Giáo dục cho học sinh nghỉ học, giáo viên được nghỉ dạy khiến cho nhiều phụ huynh phải mất tiền thuê người trông giữ con mình.

Vì vậy, họ yêu cầu phải dạy học bình thường, không được “lợi dụng” dịch bệnh để cho học sinh nghỉ học vì giáo viên vẫn hưởng nguyên lương. Trong khi, phụ huynh không được nghỉ, vẫn phải đi làm…

Một số ý kiến còn so sánh giáo viên được nghỉ hè, nghỉ cuối tuần nhiều hơn các ngành khác mà vẫn được hưởng nguyên lương. Nghe những lời so đo như vậy, có lẽ nhiều nhà giáo trong cả nước không tránh khỏi những muộn phiền.

Nhà giáo có muốn nghỉ không?

Ông bà ta xưa có câu: “Cơm không ăn thì gạo còn đó” và đương nhiên đối với ngành giáo dục thì giáo viên chưa dạy cũng đồng nghĩa là bài vở sẽ còn và phải dạy hết chương trình theo khung thời gian của năm học đã được quy định cụ thể.

Bây giờ học sinh được nghỉ học thì cũng đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ dạy bù trong những ngày tới đây chứ làm sao có thể bớt xén được bài học của học trò.

Hơn nữa, học sinh được nghỉ học thì nghỉ nguyên vẹn 1-2 tuần theo kế hoạch nhưng giáo viên vẫn phải vào trường làm vệ sinh trường lớp, khử khuẩn để đảm bảo cho trường lớp sạch sẽ nhằm đón học sinh vào học trở lại và làm một số công việc chuyên môn khác.

Nếu chúng ta để ý sẽ thấy không có bất kỳ văn bản nào cho phép giáo viên nghỉ mà chỉ thông báo cho học sinh nghỉ học mà thôi. Vì vậy, giáo viên vẫn làm những công việc của nhà trường khi Ban giám hiệu phân công.

Chính vì thế, thời gian học sinh nghỉ thì giáo viên còn vất vả hơn vì vừa phải lao động, làm vệ sinh và kéo dài thời gian giảng dạy về sau. Những lúc ở nhà cũng chuẩn bị bài vở, giáo án, chấm bài cho học sinh. Những công việc này thì lúc nào không có.

Khi học sinh nghỉ học, chúng ta cũng hiểu là nhiều phụ huynh sẽ vất vả hơn, tốn kém hơn, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có những xáo trộn nhất định. Nhưng, cứ đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy số người nhiễm virus Corona cao hơn, số người tử vong nhiều hơn thì sẽ thông cảm hơn với quyết định cho học sinh nghỉ học.

Mỗi gia đình bây giờ chỉ có 1-2 đứa con nên ai mà chẳng lo lắng cho tương lai của con em mình. Khi dịch bệnh không lây lan, “bão không vào nhà mình” thì càng tốt chứ sao. Chuyện học là cả đời, tính mạng con người mới là quan trọng hơn cả.

Vì vậy, trong lúc có những diễn biến khó lường về dịch bệnh thì việc cho học sinh nghỉ cũng là điều chính đáng. Sau này, thời gian nghỉ hè giảm bớt đi một chút cũng là điều phù hợp.

Hơn nữa, giáo viên nào dám cho học sinh nghỉ học, việc nghỉ học là sự bàn bạc cụ thể giữa ngành Giáo dục, Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) xem xét, quyết định.

Nghề giáo có nhàn không?

Một số ý kiến cho rằng giáo viên đã nhàn mà lại còn được nghỉ theo học sinh và hưởng nguyên lương, trong khi các ngành khác không được nghỉ để tránh dịch bệnh.

Nếu nói vậy thì chưa hiểu đặc điểm của ngành Giáo dục và công việc của các nhà giáo. Một khi học sinh nghỉ học thì đương nhiên phải kéo theo việc giáo viên nghỉ dạy. Giáo viên đi dạy mà không có học sinh thì dạy ai đây?

Thầy cô giáo làm việc theo số tiết quy định, nếu tính thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị có thể ít hơn giờ hành chính của một số ngành nghề khác. Nhưng, giáo viên có nhiều việc không thể làm tại cơ quan, đơn vị được mà bắt buộc phải làm ở nhà.

Nhiều việc không tên, khó định lượng được thời gian như soạn giáo án, chấm bài, vận động học sinh khi các em bỏ học, tham gia các phong trào ngoại khóa vào những ngày nghỉ…

Mỗi một nghề nghiệp có những đặc trưng riêng và nó đan xen cả những thuận lợi, khó khăn mà mỗi con người chúng ta có quyền tự lựa chọn nghề nghiệp cho mình khi trưởng thành.

Trong lúc các cấp chính quyền đang dốc sức để phòng chống dịch bệnh, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết. Và, học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước, của mỗi gia đình sau này. Vậy nên, cho các em nghỉ học cũng là điều phù hợp cả lý và tình trong tình hình hiện nay.

Vậy mà, đã có phụ huynh lại bức xúc, lên tiếng xúc phạm ngành Giáo dục, xúc phạm giáo viên vì mình khó bố trí người trông con, phải thuê mướn người giữ trong những ngày con em mình nghỉ học.

Vậy nhưng, nếu nhà trường tổ chức học tập bình thường mà lỡ không may học sinh bị lây lan dịch bệnh thì dễ gì phụ huynh lại không oán trách ngành Giáo dục và thầy cô giáo vì không cho học sinh nghỉ học. Nghĩ buồn thay!

NHẬT DUY

Nguồn: giaoduc.net.vn

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *