Hướng tới hiệu quả, chất lượng trong dạy học trực tuyến

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc nhiều địa phương cho học sinh (HS) nghỉ học.

Tùy theo điều kiện, đặc điểm, mỗi trường lại triển khai phương thức học tập khác nhau giúp HS không bị ngắt mạch kiến thức và bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Tìm mọi cách truyền tải kiến thức

Cô Vũ Trinh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Ngay khi Hà Nội cho HS nghỉ học phòng, chống dịch, nhà trường tiến hành triển khai dạy học trực tuyến. Đây không còn là vấn đề mới mẻ, khó khăn bởi GV đã quen, gia đình HS cũng sẵn sàng tâm thế, bảo đảm cơ bản thiết bị học tập.

Tuy nhiên theo cô Hương, qua khảo sát cho thấy, nếu việc dạy học trực tuyến được triển khai vào ban ngày, tỉ lệ HS tham gia sẽ hạn chế về số lượng, giảm về chất lượng bởi phụ huynh đi làm, nhiều em không có thiết bị học tập. Hơn nữa, HS khối 1, 2 chưa thành thạo sử dụng thiết bị trong học tập.

Chính vì vậy, nhà trường yêu cầu GV vẫn giao phiếu ôn tập cho HS hoàn thiện vào ban ngày (thông qua nhóm Zalo của bố mẹ) rồi chụp hình gửi lại GV chữa. Tiến hành dạy trực tuyến vào buổi tối khi bố mẹ có nhà. Như vậy, tỉ lệ HS có máy học trực tuyến sẽ cao hơn. Thời khóa biểu và giờ học trực tuyến do GV chủ nhiệm trao đổi, thống nhất cùng phụ huynh học sinh… Với cách triển khai này, việc ôn luyện kiến thức cũ, cung cấp kiến thức mới diễn ra nhịp nhàng, hợp lý và hiệu quả.

Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang) lại cho biết: Trường thuộc vùng cao biên giới, các điều kiện cho dạy học trực tuyến, giao bài tập qua Zalo, Facebook còn khó khăn (100% HS người dân tộc, gia đình nghèo, không có máy tính, điện thoại thông minh; nhiều nơi sóng điện thoại, mạng Internet không có…). Việc tháo gỡ nằm ngoài khả năng của nhà trường, dù phụ huynh đã cố gắng.

Do đó, cách duy nhất để duy trì việc học của HS trong những ngày nghỉ học phòng, chống dịch dài ngày vẫn là GV photo phiếu bài tập rồi tới từng thôn bản phát cho các em vào đầu tuần. Một số HS nhà quá xa hoặc đi vắng, phiếu bài tập sẽ gửi lại trưởng thôn để gia đình tới lấy. Cuối tuần, GV đi phát phiếu giao bài mới đồng thời thu lại phiếu giao bài HS hoàn thiện để sửa, nhận xét.

Cô Trịnh Thị Hương Nhài – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Thủy (huyện Thanh Hà, Hải Dương) chia sẻ: Nằm trong vùng có dịch nên nhà trường xác định việc nghỉ học của HS còn kéo dài. Phòng GD&ĐT chưa có chỉ đạo về dạy học trực tuyến với HS mầm non, song ban giám hiệu (BGH), tổ chuyên môn đã lên kế hoạch ghi hình một số bài giảng mẫu, sưu tầm bài giảng hay, phù hợp với HS (3 – 5 tuổi) có sẵn trên mạng để gửi qua Zalo, Facebook… tới phụ huynh. Gia đình sẽ hỗ trợ cho trẻ xem và học tại nhà.

“Trẻ 5 tuổi được nhà trường đặc biệt quan tâm để các em có đủ kiến thức, kĩ năng, vững vàng bước vào lớp 1. Trường sẽ đưa những video bài giảng nhận biết chữ và số thông qua trò chơi, tranh ảnh… để HS quan sát, nhận biết tại gia đình. Mặt khác, trường lên kế hoạch kiểm tra, bù lấp kiến thức, kĩ năng trẻ 5 tuổi ngay khi trở lại trường…”, cô Trịnh Thị Hương Nhài khẳng định. 

Ảnh minh họa

Hiệu quả tốt, chất lượng thật

Dạy học trực tuyến, online, giao bài qua Zalo hay chuyển phiếu bài tập tại nhà… trong thời gian HS nghỉ học là giải pháp được các nhà trường thực hiện. Tuy nhiên, không dừng lại ở thực hiện cho đủ, nhà trường, GV đều rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai để hướng tới hiệu quả, chất lượng thật.

Theo cô Vũ Trinh Hương, chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến muốn hiệu quả GV phải linh hoạt trong soạn giáo án, bài giảng. Mặt khác, BGH, tổ chuyên môn cần đồng hành cùng GV bằng cách kiểm tra giáo án dạy học trực tuyến. Thậm chí, BGH trực tiếp tham dự tiết học trực tuyến của GV để nắm bắt thực tế, từ đó có điều chỉnh phù hợp, giúp HS học tập hiệu quả.

Thực tế cũng cho thấy, với mong muốn dạy học trực tuyến đạt chất lượng, nhiều trường ngoài đề nghị phụ huynh hỗ trợ cơ sở vật chất còn dành thời gian học cùng con vào buổi tối. Do đó, các bài giảng trực tuyến được GV xây dựng theo hướng mở, kết hợp học và chơi để hấp dẫn trẻ. GV luôn động viên để trẻ tập trung, không chán nản khi học trực tuyến…

Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng 1 (Si Ma Cai, Lào Cai) chia sẻ: Nhà trường lên sẵn kịch bản dạy học căn cứ theo tình hình thực dịch bệnh, điều kiện học tập của HS. Từ đó xác định kết hợp cả dạy học trực tuyến lẫn giao bài tập về nhà. Như vậy, 100% HS được học tập không bị ngắt quãng kiến thức.

“Nếu dạy học trực tuyến, nhà trường yêu cầu GV tiến hành rà soát, lựa chọn những nội dung kiến thức đại trà, biên soạn tinh gọn, dễ hiểu để xây dựng thành nhiệm vụ/bài tập cho HS. Tổ chức quay video nội dung bài học tải lên các trang YouTube cá nhân, Facebook của nhà trường tối thiểu 1 lần/môn/tuần ở cả 5 khối lớp và hướng dẫn HS đăng ký tham gia tiết học.

Với giải pháp giao bài tập và kiểm soát bài làm HS tại nhà, GV có thể  giao theo từng tuần; nhờ trưởng thôn hoặc công an viên cùng hỗ trợ đưa bài. GV phải gia hạn thời gian để HS hoàn thành và có biện pháp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của HS…”, cô Hường cho biết.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *