Hơn 1.500 giáo viên quận Ba Đình (Hà Nội) cùng thảo luận về chủ đề thầy cô giáo phải làm gì để có trường học hạnh phúc.
Dù là tập huấn trực tuyến song hiệu ứng của chương trình đã lan tỏa đến từng nhà trường, mỗi giáo viên.
Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới
TS Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Trường học hạnh phúc là nơi mà cả thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Đó là nơi thầy cô tìm được niềm đam mê, nhiệt huyết giảng dạy và tích cực đưa ra phương pháp dạy học chủ động, sáng tạo; luôn hỗ trợ, giúp đỡ học trò của mình trong quá trình học tập, thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gắn bó và chia sẻ với học sinh.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Ân, trường học hạnh phúc là nơi học sinh cảm thấy có hứng thú với những giờ học, không có áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, được thỏa sức vui đùa, hòa đồng với bạn bè. Với phụ huynh, trường học hạnh phúc là nơi họ muốn gửi gắm con em mình, để các em được phát triển tốt nhất.
TS Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh: Trường học hạnh phúc không có bạo lực học đường, không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo, HS. Đặc biệt, đó là nơi phải biết tôn trọng sự khác biệt.
Cô Nguyễn Thị Hoàng – giáo viên Trường THCS Phúc Xá bày tỏ: Những nội dung cốt lõi của xây dựng trường học hạnh phúc được “truyền” qua không gian mạng nhưng sẽ theo tôi vào từng lời dạy, giờ học để ươm mầm yêu thương, hạnh phúc đến với học sinh, từ đó giúp các em có được niềm vui, hân hoan mỗi khi đến trường.
Cô Hoàng bày tỏ: Khi con người cảm thấy hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương sẽ có thêm động lực, say mê trong học tập, nghiên cứu để trở thành người có ích cho xã hội. Tôi sẽ bắt đầu từ thay đổi phương pháp dạy học. Thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp với đổi mới của ngành trong bối cảnh hiện nay để mang đến những giá trị thực cho học trò…
Tăng cường kỷ luật tích cực
Thầy Trần Thanh Việt – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh nhận định: Xây dựng trường học hạnh phúc góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về đạo đức, ứng xử, năng lực sư phạm của cán bộ, GV và nhân viên (CBGV-NV), học sinh. Từ đó, giúp cho CBGV-NV nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của việc duy trì môi trường mà trong đó mọi người được tôn trọng, yêu thương.
Theo thầy Việt, nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc từ việc làm thiết thực: Xây dựng nhà trường theo định hướng tập thể; tổ chức hoạt động gắn kết học sinh; giáo viên làm gương trong mọi mặt, thay đổi cách ứng xử theo hướng động viên, khích lệ nhiều hơn; tôn trọng sự khác biệt của HS…
“Để có được kỷ luật tích cực, CBGV-NV trong mỗi nhà trường cần không ngừng thay đổi, cập nhật tri thức, phương pháp dạy học mới; công bằng trong đánh giá học sinh; dành thời gian tìm hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh của từng học sinh…” – thầy Việt chia sẻ.
Còn với cô Nguyễn Thị Hoàng, để có được kỷ luật tích cực, GV cần xây dựng mạng lưới trợ giúp nhau từ chuyên môn đến kỹ năng, phương pháp tiếp cận học sinh; kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm. Nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên bằng xây dựng nội quy trường học phù hợp, có tính khả thi, thân thiện, công bằng và khách quan… Còn giáo viên khích lệ sự tham gia của học sinh trong các hoạt động của lớp, trường. Học sinh được cung cấp thông tin, được bày tỏ ý kiến, được lắng nghe và tôn trọng.
Theo cô Hoàng, khi trường học, lớp học bảo đảm 5 tiêu chí: Mọi người được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được hiểu và có giá trị thì sự phát triển sẽ bền vững và tránh được những hành vi tiêu cực xảy ra trong các mối quan hệ giữa thầy với thầy, thầy với trò, học trò với nhau và với phụ huynh học sinh.