Lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai

Thời điểm này là lúc học sinh lớp 12 đang băn khoăn, lo lắng trước quyết định chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Làm thế nào để lựa chọn tốt cho tương lai là câu hỏi không hề đơn giản đối với các sĩ tử trước một kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên. Ảnh tư liệu

Tôi có 2 người thân đã sai lầm khi chọn trường đại học. Một thi vào Trường đại học kinh tế, sau thời gian học thấy không hợp với ngành này liền thi lại vào Trường đại học bách khoa. Ra trường, làm đúng chuyên môn 1 năm tại trung tâm đo lường chất lượng lại bỏ ra ngoài làm kinh doanh, nghề không có dính dáng gì đến ngành học. Một người khác học ngành cơ khí chế tạo máy ra trường lại thích hợp với vị trí kinh doanh tại một công ty. Anh liền đi học văn bằng 2 và sau đó thành công trong vai trò quản lý của một công ty lớn.

Có nhiều lý do để học sinh chọn nghề sai như: chọn theo kỳ vọng gia đình, theo nghề truyền thống của gia đình, theo ý thích của mình, theo sự rủ rê của bạn bè, theo trào lưu hay chọn nghề nổi tiếng, thời thượng…

Theo các chuyên gia, nhà giáo thì chọn đúng nghề sẽ giúp học sinh thành công trong tương lai. Học sinh cần phải cẩn trọng trong việc lựa chọn ngành, trường thi cho mình. Trước hết, các em cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh bằng cách quan tâm đến các chương trình tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, qua nhà trường, thầy cô và các anh chị đi trước… Từ đó học sinh sẽ có cái nhìn sâu rộng hơn, cụ thể hơn về chỉ tiêu, những ngành nghề, tiềm năng, sức hút lao động khi ra trường, lương bổng, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến…

Song song đó, các em cũng cần tham khảo kỹ những ngành học mới. Xem ngành nghề này lúc ra trường sẽ có được việc làm tốt hay cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hay không.

Học sinh cũng nên nghiên cứu thấu đáo các số liệu về chỉ tiêu, tỷ lệ chọi, điểm chuẩn vào ngành vài ba năm vừa qua. Lưu ý là nhiều khi trường có tỷ lệ chọi ít chưa chắc điểm chuẩn đã thấp. Cùng ngành đào tạo nhưng trường này có điểm thấp hơn trường kia. Vì vậy, đòi hỏi các em phải chú ý đến khả năng vừa sức với bản thân, không với quá cao, quá sức mình. Tìm hiểu khung chương trình đào tạo của trường, đầu ra, khả năng, vị trí việc làm khi ra trường.

Niềm đam mê nghề nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào việc học và cuộc sống sau này. Có say mê mới tận tâm, hết lòng với nghề, có nhiều cơ hội thành công trong công việc. Sở thích cũng phải phù hợp với bản thân. Không chỉ thích là chọn mà cần xem mình có năng khiếu, có đủ mọi điều kiện để làm tốt nghề đó không. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người lựa chọn nghề không bằng sở thích hay niềm đam mê của mình sẽ ít có những kết quả tốt nếu không muốn nói là sẽ thất bại.

Đừng bỏ qua việc chọn ngành sao cho phù hợp với năng lực, sức khỏe, năng khiếu, hoàn cảnh kinh tế. Không quan niệm học môn nào cũng phải giỏi mới mong thi đậu mà quên rằng đường vào đại học luôn rộng mở với mọi người nếu chúng ta biết được khả năng, lực học của mình. Phải biết những điểm mạnh, điểm yếu của mình có thật sự hợp với ngành nghề mình hướng tới.

Chọn một nghề đúng sẽ tạo vững chắc cho tương lai và ngược lại, nếu sai lầm sẽ rất khó sửa chữa và tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Hưng Nhân

Nguồn: Báo Đồng Nai

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *