Các chuyên gia, giáo viên đề xuất giảm tải chương trình, đổi mới thi cử đồng thời có cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích khi ban hành quy định mới về dạy – học thêm.
Tháng 5/2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo ra Thông tư 17, là cơ sở pháp lý cao nhất để quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, khiến việc cấp phép cho hoạt động này bị vô hiệu. Vì vậy, tháng 9/2019, Bộ Giáo dục công bố, 8 trong số 22 điều của Thông tư 17 hết hiệu lực. Bộ hiện đứng trước yêu cầu cần nghiên cứu, ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm để quản lý đồng bộ, thống nhất.
Một nguyên lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận nội thành TP HCM cho rằng, quy định mới cần được ban hành sớm, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện những điều khoản của Thông tư 17.
Theo đó, ông tán thành chia dạy thêm, học thêm thành hai loại hình: trong nhà trường và ngoài nhà trường. Với dạy thêm trong nhà trường, ông đề xuất có cơ chế siết chặt, chỉ cấp phép cho các trường có nhu cầu với số lớp hạn chế. Mục tiêu của việc học thêm trong trường là phụ đạo cho học sinh yếu kém.
Về lâu dài, trường công lập nên hướng tới dạy hai buổi mỗi ngày ở tất cả khối lớp để học sinh được tăng cường hoạt động thực hành, rèn luyện thể thao, sinh hoạt văn hoá, kỹ năng sống và tự học. Đây là giải pháp căn cơ để các em không phải học thêm.
Với loại hình ngoài nhà trường, ông đề xuất tập trung quản lý 4 yếu tố: người dạy, cơ sở vật chất, học phí và thời gian. Trong đó, giáo viên dạy thêm phải có bằng đại học sư phạm trở lên hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh cấp phép cho trung tâm, cơ sở dạy thêm, cơ quan chức năng có thể cấp phép dạy thêm cho giáo viên đủ tiêu chuẩn.
Cơ sở vật chất của trung tâm dạy thêm phải đảm bảo các điều kiện an toàn, có thể sử dụng quy định cũ theo Thông tư 17. “Nên tạo điều kiện để trường công lập được phép cho các trung tâm dạy thêm thuê mướn phòng học dôi dư hoặc không sử dụng vào buổi tối. Điều này nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất, tăng nguồn thu chính đáng cho các trường”, ông nói.
Ngoài ra, thông tư mới nên có phụ lục quy định mức trần học phí dạy thêm tùy theo khu vực, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu. Thời gian học cũng cần khống chế, không để dạy học thêm quá muộn hoặc quá dài, ảnh hưởng đến người học.
Ông kiến nghị giữ nguyên các quy định cấm dạy thêm đối với: học sinh tiểu học, học sinh đã học hai buổi mỗi ngày, học sinh ở lớp chính khoá. Giáo viên vi phạm điều cấm nào, tuỳ theo mức độ nên bị tước giấy phép dạy thêm có thời hạn.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng THPT Lộc Phát (tỉnh Lâm Đồng) nêu rõ hơn những yêu cầu với giáo viên dạy thêm. Theo đó, giáo viên phải có kinh nghiệm ít nhất 5 năm đứng lớp, có đủ sức khoẻ, phẩm chất tốt.
Ông Chương đề xuất quy định số tiết tối đa mà giáo viên được dạy thêm trong tuần phải cân đối với số tiết định mức trên trường. Chẳng hạn, định mức với giáo viên THPT là 17 tiết thì thầy cô dạy thêm cũng không vượt quá con số đó. Quy định này nhằm ngăn tình trạng giáo viên mải dạy thêm, bỏ bê công việc chính.
Tương tự, người học cũng cần được quy định thời gian tối đa được học thêm. Nếu không, sức khỏe của em sẽ bị ảnh hưởng xấu trong thời gian dài.
Một số giáo viên khác đề xuất, quy định mới về dạy thêm phải có cơ chế kiểm soát nguy cơ xung đột lợi ích.Đó là sự cạnh tranh giữa những giáo viên được dạy thêm và giáo viên không được hoặc không đủ điều kiện dạy thêm; giáo viên và học sinh ở lớp chính khoá. Vì vậy, cần làm rõ hơn quy định “giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang đứng lớp”, có chế tài với những thầy cô vi phạm.
“Với giáo viên tham gia dạy thêm, có thể khảo sát chất lượng hoặc thăm dò ý kiến học sinh ở các lớp này để đảm bảo thầy cô làm tròn nghĩa vụ chính khóa, không o ép học sinh”, một giáo viên THPT ở TP HCM gợi ý.
Ở góc nhìn rộng hơn, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, bên cạnh các quy định mang tính kỹ thuật, cần giải quyết căn nguyên của vấn đề dạy thêm, học thêm.
Ông Vinh chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản của dạy thêm – học thêm là: kinh tế (thu nhập các gia đình được cải thiện, lại sinh ít hơn nên đủ khả năng chi trả cho học thêm); văn hóa (ganh đua điểm số vẫn phổ biến); xã hội (bằng cấp vẫn được coi trọng); giáo dục (học để thi, lấy thành tích). Bên cạnh đó, dù đã giảm tải, chương trình phổ thông vẫn còn nhiều phần chưa hợp lý và chưa cần thiết. Ngành giáo dục cần tiếp tục giảm nội dung để chương trình học không quá nặng.
Cũng theo ông Vinh, nhiều giáo viên tìm đến dạy thêm bởi đồng lương không đảm bảo cuộc sống. Do đó, việc cải thiện thu nhập cho các thầy cô cũng là cách hạn chế dạy thêm.
TS Vinh tán thành quan điểm về các tiêu chuẩn của giáo viên tham gia dạy thêm, điều kiện mở cơ sở dạy thêm… Quản lý dạy thêm cũng cần tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa học sinh các vùng miền khác nhau. Với học sinh yếu kém vùng khó khăn, các trường có thể tổ chức lớp phụ đạo, được Nhà nước hỗ trợ chi phí.
“Phụ huynh cần thông cảm và thấu hiểu con cái, không nên ép học đến mức quá tải. Phương pháp giáo dục tốt nhất là tự học và tự trưởng thành. Học thêm chỉ là giải pháp nhất thời, hiệu quả mang đến không lâu dài”, ông Vinh nêu quan điểm.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM) cho rằng, quản lý dạy thêm, học thêm phải đi cùng các biện pháp đồng bộ khác, hướng tới hạn chế hoạt động này trong tương lai. Ngoài việc giảm tải chương trình học, thi cử, khuyến khích học sinh tự học và tăng lương cho giáo viên, chuyên gia này đề xuất thay đổi quan niệm về thành quả giáo dục theo hướng cởi mở, hiện đại hơn.
Theo đó, năng lực, phẩm chất của học sinh không thể đo đếm phiến diện qua điểm số, điểm thi hay các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Điều quan trọng hơn là thầy cô, phụ huynh phát hiện, tôn trọng tài năng, sở trường của học sinh.
“Chẳng hạn, có em đam mê âm nhạc, có em lại là thể thao, văn hoá, ẩm thực và mong muốn làm các công việc đó. Nếu bắt ép học văn hoá thật giỏi để bằng bạn bè hoặc đạt thành tích cao, chưa chắc các em đã hạnh phúc và thành công”, ông nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 11/11 cho biết, Bộ đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 – văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay. Bộ cũng đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để thuận lợi hơn trong việc điều tiết hoạt động dạy, học thêm.