Ngoài việc giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy/năng lực để tuyển sinh.
Cũng có trường sử dụng kết quả quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT là cơ sở đánh giá nền tảng; sau đó, kết hợp thêm các tiêu chí đánh giá khác theo định hướng đào tạo của trường.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT là công cụ sàng lọc
Khẳng định, năm 2022 Học viện Tài chính cơ bản vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021, TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính đồng thời tán thành với khuyến cáo của Bộ GD&ĐT về việc: Các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Theo đó, những trường này có thể kết hợp với nhau, tạo thành nhóm xét tuyển.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh – cho hay: Hiện, trường chưa “chốt” phương án tuyển sinh năm 2022, nhưng trong đề án tuyển sinh năm 2021, nhà trường đã thông báo dự kiến xem xét sử dụng kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) vào kỳ xét tuyển ĐH hệ chính quy năm 2022.
Mùa tuyển sinh 2022, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục tuyển sinh theo xu hướng kết hợp đồng thời các tiêu chí khác nhau xét tuyển. Trong đó, kết quả quá trình học tập và thi tốt nghiệp THPT là cơ sở đánh giá nền tảng. Sau đó, nhà trường kết hợp thêm các tiêu chí đánh giá khác theo định hướng đào tạo của trường.PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – nhận định: Năm 2022, dự báo các trường sẽ đi theo đúng phương hướng của Bộ GD&ĐT và ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp để bảo đảm hài hòa xu hướng này. Tuy nhiên, những thay đổi vẫn phải có lộ trình, không gây sốc cho thí sinh và xã hội.
PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) – thông tin: Năm 2022, nhà trường vẫn giữ ổn định phương án tuyển sinh như những năm trước. Ngoài ra, tuỳ vào tính chất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ quyết định có tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi này để chọn lọc học sinh hay không.
Nếu là một kỳ thi đánh giá và phân loại được thí sinh, nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng phương thức này trong mùa tuyển sinh năm sau. Dự kiến đến khoảng tháng 3/2022, nhà trường sẽ công bố phương án tuyển sinh tới thí sinh. Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh sơ bộ có thể được công bố trước đó khoảng 1 – 2 tháng.
Hợp tác để xét tuyển
PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – thông tin: Nhà trường sẽ xây dựng hệ thống đánh giá riêng là tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để làm căn cứ lựa chọn thí sinh. Nhà trường dự kiến tổ chức kỳ thi này nhiều lần trong năm. Đồng thời, có thể khai giảng khóa mới 2 lần trong năm, vào học kỳ mùa thu và học kỳ mùa xuân giống như thông lệ quốc tế.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho phép các trường khác dùng chung kết quả kỳ thi; trước hết là trường kỹ thuật công nghệ, hoặc những trường nguồn tuyển dựa vào thí sinh dự thi các môn khoa học tự nhiên gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh; Tiếng Anh, Tiếng Việt.
Trên tinh thần đó, mới đây, các Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ĐH Giao thông Vận tải; ĐH Mỏ – Địa chất; ĐH Thăng Long; ĐH Thủy lợi; ĐH Xây dựng Hà Nội đã nhất trí ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện trong năm 2022 để xét tuyển đại học.
Đây là tiền đề cho sự hợp tác giữa các trường đại học trong việc hợp tác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2022, giúp xã hội và người học giảm áp lực số lần thi cử và di chuyển, giảm tốn kém vật chất, thời gian và công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào đại học, đặc biệt là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các trường cũng có thêm phương án xét tuyển phù hợp, giảm bớt gánh nặng ở các khâu tổ chức kỳ thi và ra đề thi.
Trên cơ sở đó, các trường cùng phối hợp và hỗ trợ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022. Các trường có trách nhiệm trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển; cùng giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện trên tinh thần hợp tác, thiện chí và cùng có lợi.
Bên cạnh đó, các trường cùng phối hợp và hỗ trợ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong công tác xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022. Mỗi trường tự chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động của mình. Những chi phí liên quan đến hoạt động chung sẽ được trao đổi, thống nhất bằng văn bản trước khi thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đây là nhóm trường đại học có sự hợp tác và hoạt động thiết thực trong nhiều năm. Bộ GD&ĐT hoan nghênh chủ trương này. Làm sao để có ít kỳ thi, nhưng đã thi phải tin cậy, chất lượng, đảm bảo công bằng. Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi quy chế theo hướng đơn giản, không đi quá chi tiết nhưng đề ra những nguyên tắc theo đúng quy định của pháp luật. Những thay đổi lớn mà các trường và thí sinh phải có sự chuẩn bị thì sẽ có lộ trình.