Ai cũng biết học giả Nguyễn Hiến Lê là một dịch giả, nhà văn, nhà nghiên cứu uyên bác và uy tín với trên 100 đầu sách giá trị.
Chúng ta cũng biết ông xuất thân là một công chức ngành giao thông công chính thời Pháp, nhưng ít người biết ông cũng từng là một nhà giáo trong khoảng 4 năm ở Long Xuyên, An Giang ngày nay, khi chiến tranh với Pháp bùng nổ đầu những năm 1950.
Chỉ dạy học 4 năm và cũng không thấy bản thân phù hợp với nghề này, nhưng học giả Nguyễn Hiến Lê rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Ông đã soạn hàng chục cuốn sách nhằm giúp học sinh và thanh, thiếu niên nói chung phương pháp học hiệu quả, như Kim chỉ nam của học sinh, Muốn giỏi toán hình học phẳng, Muốn giỏi toán hình học không gian, Muốn giỏi toán đại số, Luyện văn, Bí quyết thi đậu, Để hiểu văn phạm, Tự học để thành công…
Từ sau kháng chiến chống Pháp bùng nổ cuối năm 1946, Nguyễn Hiến Lê bỏ công việc ở ngành công chính của Pháp, tản cư về Long Xuyên. Đến năm 1947, ông bắt đầu dạy học tại nhà. Là người học ngành khoa học tự nhiên và có khả năng sư phạm tốt, nên ông nhanh chóng đạt được thành công trong công việc này. Ông kể lại trong bộ “Hồi ký”:
“Vì ít học sinh nên tôi dạy kĩ, tùy theo tư chất của mỗi trẻ, nếu thông minh thì tôi thúc, bắt học nhiều, kém thông minh thì chỉ bắt buộc nhớ những điều cần thiết thôi. Cha mẹ học sinh thấy tôi siêng mà dạy rõ ràng, trẻ dễ hiểu, mau tấn tới nên càng tin cậy.
Chỉ trong ba tháng tôi luyện Pháp văn và Toán cho hai đứa thi vào Trường Trung học Cần Thơ, cả hai đều đậu. Tôi nổi tiếng dạy giỏi và đầu niên học sau số học sinh xin học rất đông, tôi chỉ nhận hai chục em thôi, và mở thêm một lớp buổi chiều riêng cho chúng”.
Từ thành công này, và do trong số học sinh có con ông Tỉnh trưởng Long Xuyên khi đó là Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Hiến Lê được ông Tỉnh trưởng mời dạy ở Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu ở thị xã. Ông dạy Pháp văn, Việt văn, Đức dục (môn Giáo dục công dân ngày nay), sau thêm cả Hán văn nữa ở nhiều lớp từ năm thứ Tư xuống tới năm thứ Nhì (tương đương với 9, lớp 7 ngày nay).
“Tôi soạn bài kĩ, giảng cho rõ ràng, bắt học sinh làm nhiều bài tập, công bằng, thẳng thắn, dù con bạn thân mà làm biếng tôi cũng rầy, dù con các người tai mắt trong tỉnh, nếu lười tôi cũng mắng nặng lời”, ông kể lại.
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Hiến Lê cũng luôn suy tư, trăn trở về vấn đề giáo dục, và đúc kết ý kiến của mình ngắn gọn rằng: “Tôi cho rằng trong nghề dạy học, tư cách ông thầy quan trọng nhất: Phải đứng đắn, nhất là công bằng; rồi lời giảng phải sáng sủa, có mạch lạc, muốn vậy ăn nói phải lưu loát, và soạn bài phải kĩ” (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Chương 14).
Do là một nhà giáo “tay ngang”, nên quan niệm về dạy học của nhà giáo Nguyễn Hiến Lê có nhiều điểm rất khác với các đồng nghiệp. Ông kể lại: “Năm nào tôi cũng đề nghị với hiệu trưởng cho mỗi lớp năm bảy học sinh ở lại vì sức non quá, nhưng hiệu trưởng không nghe, có lẽ vì không muốn làm mất lòng phụ huynh. Tôi bất mãn vì điểm đó lắm, bảo như vậy trái với quy tắc sư phạm, trái với cả cái lợi của học sinh vì học mà không hiểu thì đã mất thì giờ mà lại chán”.
Cách dạy của ông cũng rất tiến bộ, nhưng có lẽ hơi cao hơn mức tiếp thu của học sinh trung bình. “Nguyên tắc của tôi là chỉ cho học sinh cách học, rồi hướng dẫn họ, để họ có thể tự học được. Điều đó rất quan trọng vì hết thảy các học sinh không biết cách ghi chép lời giảng của thầy, không biết cách học bài, làm bài, không biết cách học ôn, cách tìm tài liệu, không có một thời dụng biểu ở nhà. Họ không hiểu rằng cách học một bài kể chuyện, khác cách học một bài toán; một bài sử, địa khác một bài sinh ngữ. Họ không có cả một sổ tay ghi những điều cần nhớ để thường coi lại”.
Do đề cao vấn đề tư cách người thầy trong nhà trường, nên khi đánh giá về quãng đời làm giáo viên của mình, ông cũng tự nhận xét là “Tôi chắc có nhiều người không ưa tôi, nhưng không ai không trọng tư cách của tôi”.
Do đó, sau mấy chục năm, các học sinh cũ của ông – nhiều người theo kháng chiến, sau ngày giải phóng miền Nam trở rồi làm cán bộ ở tỉnh – đối với ông vẫn lễ phép, xưng con với ông như hồi còn đi học, gặp ông thường nhắc lại những câu thầy khuyên hồi còn ở trường.
“Dạy ba năm ở Thoại Ngọc Hầu, mà non ba chục năm sau, bây giờ về Long Xuyên còn gặp được năm sáu trò cũ coi tôi như cha, có trò thân mật như người trong nhà; điều đó làm cho tuổi già của tôi được vui…”, học giả Nguyễn Hiến Lê tự hào kể khi viết trong cuốn hồi ký, được chấp bút đầu những năm 1980.
Không chỉ từ kinh nghiệm bản thân, mà qua những ghi chép của học giả Nguyễn Hiến Lê về những người thầy ấn tượng của mình, chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được những quan điểm thống nhất của ông về người thầy và nhà trường. Đó là chân dung những người thầy dạy ông ở Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội ngày nay), như thầy Dương Quảng Hàm, thầy giáo người Pháp Foulon.
Về thầy Dương Quảng Hàm, học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết một bài, đăng trong số tạp chí Bách Khoa số 236 (số ra ngày 1/11/1966). Ông đánh giá: “Thầy có đủ tư cách một nhà mô phạm và một học giả. Thầy dạy Việt văn ở ban Tú tài; Việt văn và Pháp văn ở ban Cao đẳng tiểu học, năm thứ ba và thứ tư. Thầy nhỏ người, vui vẻ, nụ cười hồn nhiên, sống rất giản dị, làm việc rất có quy củ và cẩn thận.
Đối với chúng tôi, thầy rất công bằng, nghiêm một cách vừa phải, có phần hơi dễ dãi nữa; một lần thầy tỏ ra đa cảm và đại độ khi cả lớp chúng tôi làm reo không học bài thuộc lòng tả Hồ Tây (ở Hà Nội) của Jules Boissière, một nhà văn thực dân mà chúng tôi rất ghét. Thầy chỉ tỏ vẻ buồn thôi chứ không hề phạt chúng tôi.
Chuyện đó tôi thuật lại rõ trong số báo kể trên. Suốt đời, hễ thầy thôi giảng thì cầm cây bút. Tất cả học sinh trường Bưởi không ai không trọng thầy vì vậy. Mà các bạn đồng sự Pháp, Việt của thầy cũng quý thầy nữa. Thật đáng tiếc, thầy không thọ, mất trong những ngày đầu cuộc kháng Pháp ở Hà Nội”.
Thầy Foulon là người dạy môn Luân lí (đạo đức) ở năm thứ tư cho và dạy triết (hay Pháp văn) cho ban Tú tài. Thầy bắt học sinh gắng sức nhiều, giảng cao hơn chương trình, gắt với học sinh kém, nhưng thân với học sinh giỏi.
Nguyễn Hiến Lê ấn tượng với người thầy vì rất thích phương pháp dạy học cũng như tình cảm với học trò của ông: “Tôi rất chán cái lối học luân lí trong sách rồi trả lời một vài câu hỏi. Thầy Foulon không dùng sách, gần suốt giờ giảng về một đề tài nào đó, chúng tôi ngồi nghe, ghi chép rồi về nhà viết lại thành bài, thường dài một trang rưỡi khổ giấy lớn; giờ sau thầy gọi một vài trò lên đưa tập cho thầy coi, nếu sai thì sửa lại. Bài nào tôi viết lại cũng kĩ, được thầy khen. Như vậy mỗi tuần gần như chúng tôi phải làm thêm một bài luận mà mau tiến về Pháp văn được.
Tôi thích lối học đó, nó rất có kết quả. Thầy lại có tình lưu luyến với học trò, không kì thị Việt. Khi sắp về Pháp nghỉ sáu tháng, thầy tới trường từ biệt chúng tôi, thấy tôi chưa đến, nhắn các bạn tôi rằng thầy gởi lời thăm và ân hận không đợi tôi được vì bận nhiều việc”.
Không chỉ bàn chuyện giáo dục từ kinh nghiệm học tập, dạy học của bản thân và ở thời bấy giờ, khi nghiên cứu về lịch sử, triết học Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê cũng rút ra những kết luận bất ngờ, khi ông đánh giá Khổng Tử chính là một nhà giáo vĩ đại và thành công ở thời đại ông sống.
Nguyễn Hiến Lê đã tập hợp toàn bộ những ý kiến này qua cuốn sách “Nhà giáo họ Khổng”, trong đó, ông nhận xét Khổng Tử là nhà giáo “vừa nghiêm, vừa khoan, đa cảm mà thương người, thành thực mà tự nhiên, bình dân, lại có nghệ sĩ tính, có tinh thần hài hước nữa. Không có một ông thánh nào khác gần với chúng ta như ông”.
Dù chỉ trực tiếp đứng trên bục giảng có 4 năm, nhưng qua những tác phẩm của mình, đặc biệt là những cuốn trong tủ sách “Học làm người”, Nguyễn Hiến Lê lại là thầy của rất nhiều thế hệ thanh niên và độc giả nói chung. Điều này đã được một độc giả, tự nhận là học trò của ông, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, đúc kết từ hàng chục năm trước:
“Theo tôi, những tác phẩm quan trọng trong đời ông, đáng cho ông hãnh diện chính là những tác phẩm nho nhỏ ông viết nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên, hướng dẫn họ trong sự tự huấn luyện trí, đức. Đó là Kim chỉ nam của học sinh, Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực, và nhất là bộ Gương danh nhân của ông.
Mà họ là ai? Là những thanh niên thất chí bán hàng xén như tôi thuở đó, là anh thợ may lận đận, là một giáo viên tiểu học, một y tá hương thôn, một thư kí nghèo trong một công tư sở nào đó. Họ là những người có thiện chí, có tinh thần cầu tiến, hiếu học nhưng vì hoàn cảnh mà lỡ dở.
Họ là thành phần đông đảo nhất trong xã hội ta bây giờ. Nhờ những cuốn sách đó, trước mắt họ mở ra những cánh cửa mới, trong lòng họ nhen lên ngọn lửa nồng, và dù họ có không “thành công” nhiều thì đời sống họ cũng sẽ được nâng cao, ít ra là về mặt tinh thần”.
Chính Nguyễn Hiến Lê, lúc sinh thời cũng tự nhận ra rằng nhờ những cuốn sách loại “Học làm người” mà ông được nhiều người biết danh, nhiều thanh niên kính mến, coi ông là “một nhà giáo dục quần chúng”.
Ông tự hào khi thấy nhiều gia đình có nhiều thế hệ đều là độc giả của mình và đều nhận ra tấm lòng thiết tha của Nguyễn Hiến Lê đối với truyền thống dân tộc cùng với thái độ giản dị khoan hoà, mẫu mực của ông.
Có độc giả đã nhận xét: “Ông Nguyễn Hiến Lê đã dung hoà được tinh thần đạo học phương Đông với những kiến thức và khoa học thực nghiệm của phương Tây, điều đó rất hiếm”, và nhà học giả nổi tiếng cũng cảm thấy tâm đắc với lời nhận xét chân tình ấy.