75 năm sau kể từ Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị lần này nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Hôm qua, 24/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Đồng thời rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt: Phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân, ông cha ta đã xây dựng nên nền văn hóa đặc sắc, kết tinh của quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội.
Cũng bởi nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.
Thực tế, trong những năm qua, nhất là những năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Cụ thể, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.
Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Còn có sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc…
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Bên cạnh đó, Đảng cũng khẳng định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới…
Vậy nên, theo Tổng Bí thư, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
75 năm sau kể từ Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị lần này nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nhưng để những mục tiêu, quan điểm này trở thành hiện thực, điều đặc biệt quan trọng là sau Hội nghị, các cấp, các ngành và toàn xã hội phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam đó là yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước.