Lời hứa “nhà giáo sống được bằng lương”, đã 15 năm trôi qua, với 4 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Một trong những vấn đề được các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục cho rằng để đổi mới giáo dục thành công phải xuất phát từ các nhà giáo.
Điều đó là vô cùng đúng đắn cho dù chương trình mới có tiên tiến, tiến bộ như thế nào nhưng giáo viên không cố gắng, tận tâm thì việc đổi mới sẽ rất khó thành công.
Muốn giáo viên tận tâm, cố gắng hết mình trong công việc, làm việc có hiệu quả thì yếu tố đầu tiên là phải giải quyết được bài toán lương giáo viên, thu nhập giáo viên phải đủ sống để họ yên tâm công tác, cống hiến…
Lời hứa tăng lương giáo viên 15 năm 4 đời Bộ trưởng
Gần đây trên báo Tuổi trẻ online đăng tải bài viết “Lời hứa tăng lương giáo viên 15 năm 4 đời Bộ trưởng” [1] nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên cả nước.
Trong bài viết nêu lại các lời hứa của các Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề cải thiện lương, thu nhập nhà giáo như:
“Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi nhậm chức vào năm 2006 về việc trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương để năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương.
Nhiệm kỳ bộ trưởng kế tiếp, 2010-2016, ông Phạm Vũ Luận tiếp tục phát biểu “xin chia sẻ với những khó khăn” của giáo viên. Nhưng đó là phát biểu, và không thấy sự “chia sẻ” ấy được cụ thể hóa bằng chương trình, hành động và những động thái tích cực nhằm thúc đẩy thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo.
Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kéo dài từ năm 2016-2021. Trong một phát biểu năm 2017, ông Nhạ cũng có lời hứa “sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên”. Ông tỏ ra chi tiết hơn: “Tất nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất” trong một phát biểu với báo giới tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2017.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi nhậm chức tháng 4-2021 cũng đã chọn điểm nhấn là “cải thiện đời sống người thầy” trong một trả lời phỏng vấn báo chí.”
Như vậy lời hứa “nhà giáo sống được bằng lương”, đã 15 năm trôi qua, với 4 thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Thậm chí khi ban hành các chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT và chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT không khiến thu nhập giáo viên tăng lên mà giáo viên phải gồng gánh thêm các khoản chứng chỉ, việc chuyển hạng xếp lương mỗi nơi làm một kiểu gây ra nhiều băn khoăn, thậm chí bức xúc, bất công…
Thực tế thì từ nhiều năm nay, ngoài các lời hứa thì chất lượng đời sống giáo viên thay đổi không bao nhiêu.
Việc chia hạng cũng bất hợp lý ở việc lương hạng cao lương cao, tuổi làm việc càng cao thì lương càng cao, mà cũng không nói gì đến việc hiệu quả công việc, không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như không khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Muốn cải cách lương giáo viên hợp lý phải bỏ việc chia hạng
Nhiều giáo viên đã quá thất vọng vì việc chia hạng giáo viên thông qua các chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT và chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì nay như lấy lại được hy vọng khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ở nghị trường Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định 89/2021/NĐ-CP để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04.
Lương, thu nhập giáo viên nếu chia hạng sẽ không hợp lý, gây bất công, người giỏi lương thấp, hạng thấp,…
Trong bài viết “Thông tư mới xếp nhà giáo giỏi ở hạng thấp, lương thấp, họ lấy đâu ra động lực?” [2] tác giả Hoài Thanh cũng đã phân tích hàng loạt bất cập của việc chia hạng, xếp lương giáo viên và việc chia hạng giáo viên là không hợp tình, hợp lý như “Không thể chia giáo viên hạng I, II, III khác nhau mà công việc như nhau, đánh giá như nhau,…”.
Do đó đồng quan điểm với nhiều tác giả về việc đợt sửa đổi chùm Thông tư xếp lương giáo viên mới thì cách tốt nhất là bỏ việc chia hạng để trả lương giáo viên vì nó không phù hợp với môi trường gáo dục vì công việc của giáo viên là như nhau, nếu chia hạng phải phân công công việc khác nhau, đánh giá khác nhau,… khá phức tạp, bất hợp lý.
Còn chia hạng giáo viên, giáo viên hạng cao thì lương cao nhưng lại không bàn đến hiệu quả làm việc, không quy định xuống hạng khi không hoàn thành nhiệm vụ,.. thì theo người viết là chưa đúng tinh thần trả lương theo Nghị quyết trung ương, không công bằng,…
Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.
Đề xuất phương án lương giáo viên mới
Tăng lương và tăng trách nhiệm, thời gian làm việc,… khi đó môi trường giáo dục chỉ còn lại những giáo viên tiêu biểu, tâm huyết thì việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học được nâng cao bền vững là điều đương nhiên.
Thực tế việc xếp lương theo hạng, chia hạng đạo đức nhà giáo là không phù hợp, cần phải được thay thế bằng những thang, bảng lương mới.
Dịp sửa đổi lần này không chỉ là cơ hội để Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục những hạn chế bất cập, bất công của việc chia hạng giáo viên mà còn là cơ hội để có những đề xuất, thay đổi về lương, thu nhập nhà giáo thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng tiền nhiệm về việc giáo viên sống được bằng lương.
Để khắc phục những bất cập của việc xếp hạng trả lương hiện nay, vì các giáo viên đều cùng thực hiện một nhiệm vụ, công việc như nhau nên người viết xin được đề xuất mức lương khởi điểm giáo viên là 5 triệu đồng mỗi tháng, mỗi 2 năm tăng thêm 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Giữ phụ cấp chức vụ, trách nhiệm cho các giáo viên giữ nhiệm vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng,…
Mức lương này dùng chung cho cả giáo viên mầm non đến trung học phổ thông đạt chuẩn và giáo viên còn trong lộ trình nâng chuẩn.
Đây là lương cứng cho giáo viên, nếu giáo viên có thêm thành tích, công tác tốt thì được khen thưởng theo quy định của ngành, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Nó phù hợp với nguyên tắc trả lương ghi nhận sự cống hiến, hiệu quả công việc. Nó đúng với nguyên tắc trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và tiến dần tới việc trả lương theo vị trí việc làm ở những năm tiếp theo.
Như vậy mức lương vừa đảm bảo không quá cao, lương giáo viên mới ra trường nếu công tác tốt có thể có thêm các khoản thưởng, phụ cấp trách nhiệm, thu nhập tăng thêm nên giảm bớt chênh lệch giữa giáo viên mới ra trường và giáo viên lớn tuổi, trả theo hiệu quả công việc vừa đảm bảo ghi nhận công sức giáo viên công tác lâu năm cũng không quá sức chịu đựng của ngân sách vừa đảm bảo một phần giáo viên có thể sống được bằng lương.
Lần này nếu có sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 về xếp lương giáo viên chính là cơ hội để sửa chữa những điều bất hợp lý, bất cập về xếp lương và cụ thể về việc tăng lương giáo viên, cải thiện thu nhập nhà giáo tương xứng với nghề cao quý, theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương.
Trên đây là vấn đề mà người viết trình bày về lương nhà giáo và đề xuất của bản thân về vấn đề trên, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đồng hành cùng nhà giáo, kiên trì bảo vệ nhà giáo, kiên trì đề xuất lương nhà giáo cho tương xứng vị thế nhà giáo.
Khi đó giáo viên không cố gắng sẽ bị đào thải, lực lượng giáo viên chỉ còn lại lực lượng tinh nhuệ, làm việc hiệu quả, sinh viên sư phạm hầu hết là những người giỏi,… thì việc đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ thành công.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/loi-hua-tang-luong-giao-vien-15-nam-4-doi-bo-truong-20211119225515476.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thong-tu-moi-xep-nha-giao-gioi-o-hang-thap-luong-thap-ho-lay-dau-ra-dong-luc-post222666.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.BÙI NAM