Tản mạn về nghề nhân ngày 20/11

Mùa mưa, con đường lên tới các xã của huyện vùng cao chúng tôi không đẹp như những con đường ở miền xuôi. Những năm 80, 90 của thế kỉ trước, hành trình mang con chữ về bản quả là gian nan vất vả. Trải qua mới thực sự thương các thầy, các cô, cả đời nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Nhớ lại ngày bước vào nghề dạy học của tôi có lẽ không giống các bạn cùng lớp. Trong những ngày chờ đợi, đi làm chính thức ở gần nhà thì tôi nhận được bức thư của đứa bạn cùng lớp gửi đến. Bức thư rất ngắn, có đoạn viết: “Lên huyện mình nhé, có hai đứa mình cũng vui”…

Không đắn đo, tôi nhận lời, ra Sở xin đổi lại quyết định, thầy giáo làm ở Sở hỏi:

– Sao lại đổi quyết định hả em? Có người yêu trên đó hả?

– Dạ, không ạ. Em chỉ đi cho biết. Khi nào đủ 5 năm thầy cho em về nhé!

Thầy giáo cười và thay đổi quyết định cho tôi xung phong lên trên đó. Khi đến Phòng GD mới, bác cán bộ tổ chức xem quyết định rất kĩ, hình như ông có vẻ ngạc nhiên thì phải. Sau một hồi, ông mới nói:

– Có 3 trường, cho cháu tự chọn. Muốn đến trường nào cũng được: Mai Sơn, An Lạc, Lâm Thượng.

– Cháu cảm ơn bác. Cháu chọn cái tên đẹp nhất ạ.

Một chị ở Phòng Giáo dục cứ nhìn tôi mỉm cười không nói gì. Hóa ra trường có tên đẹp nhất – Lâm Thượng – là xa xôi nhất, đường đi lại khó khăn nhất (khi đến trường tôi mới biết).

Hít một hơi thật dài và thẳng tiến. Đồ đạc được Thủy cho lên xe. Hai đứa dắt xe đi bộ đến trường. Đi mãi đi mãi mà không tới nơi. Sợ tôi nản, cô bạn cứ động viên sắp tới nơi rồi. Bấy giờ là tháng mười, đang vụ gặt nên trời hanh khô, vượt qua mấy con suối, qua một cái chợ nhỏ ven đường, hai đứa dừng lại uống nước. Cô bạn cười khúc khích bảo tôi: “Mới được nửa quãng đường nàng nhé! Thất vọng rồi phải không? Trên đây toàn rừng và núi, đường đi lại khó khăn”…

Đúng như lời Thủy nói, con đường đầy đá gồ ghề. Hai đứa không thể dắt xe qua. May sao có những người dân đi làm về, họ đẩy giúp. Đi hết con đường đá là con đường đất nhỏ. Chúng tôi phải vượt hai con suối nữa mới đến trường. Chân tôi mỏi nhừ như ríu lại. Nói như người dân ở đây khoảng mấy con dao quăng.

Cả tập thể cán bộ, giáo viên ùa ra đón chúng tôi. Thầy hiệu trưởng còn biết rất rõ tôi xung phong lên trên vùng cao dạy học. Trong lòng cũng thấy vui vui.

Ngày hôm sau, tôi mới có dịp ngắm nghía ngôi trường. Nằm thọt lỏm xung quanh các dãy núi, trường được làm bằng tre, nứa, lợp lá cọ. Có những lớp học ánh nắng xuyên qua, chiếu thẳng xuống bàn của các em. Tài liệu giảng dạy chỉ có sách giáo khoa và sách giáo viên. Thiếu thốn là thế nhưng tôi lại được sống trong tình cảm đầm ấm chân thành của đồng bào dân tộc nơi đây.

Ngày 20/11 đầu tiên, các em tặng chúng tôi những bông hoa râm bụt, hoa cúc nhỏ. Kèm theo cả quả cam, tấm mía, quả chuối nữa… thật ấm áp.

Năm đó, tôi được phân công dạy môn toán và vật lí. Biết là tôi dạy trái ban, anh Phạm Khoa đã hướng dẫn tôi một buổi chiều về phương pháp giảng dạy. Anh dùng cái sợi dây quay tròn theo viên phấn ra hình tròn. Tôi thực hiện thao tác đó rất nhanh. Vì mới học xong cấp III không lâu nên kiến thức về môn tự nhiên không làm khó tôi.

Có bao nhiêu kỉ niệm buồn vui trong những năm dạy học nhưng có lẽ kỉ niệm buồn nhất của đời tôi là phải chứng kiến học sinh bị sốt rét rồi qua đời… Trước khi em mất còn nói với tôi với giọng thều thào, ngắt quãng:

– Cô ơi…em không sống… được nữa rồi. Em mệt lắm…

Tôi đứng lặng người trong phòng cấp cứu rồi nước mắt giàn giụa. Vì nhà em quá xa, đường đi lại khó khăn. Khi đưa em ra đến viện em đã yếu lắm rồi. Tôi buồn mãi. Nhớ một khuôn mặt xinh xắn, hiếu động. Nhớ đôi mắt sáng, thông minh. Lúc đó tôi hoàn toàn bất lực vì không giúp gì được cậu bé.

Lúc đó, chúng tôi chỉ có một ước mơ có những con đường đổ bê tông hoặc trải nhựa, để đi lại dễ dàng. Mọi người ốm đau được chữa trị kịp thời, khoảng cách thị trấn gần với xã…chưa dám mơ ước thành phố với tỉnh miền núi vì điều đó là rất xa.

Hơn hai mươi năm sau đã có những con đường đi lại thuận tiện hơn. Nhưng vẫn còn những con đường đi lại thật khó khăn. Hành trình tới lớp của thầy và trò vẫn còn gian nan. Con đường bùn đất, gồ ghề sống trâu không phải trên phim ảnh mà là thực tế. Tuy nhiên, đồng đội của tôi, học trò của tôi vẫn phải vượt qua. Bài giảng của thầy vẫn vang lên, trò vẫn miệt mài tìm con chữ cho mình… Mơ ước về con đường luôn mãi trong tim tôi.

Yên Thế, tháng 11/2021

Theo Chuyện làng quê

Phạm Thúy Hậu


Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *