Thay đổi để trở thành Lê Lợi hạnh phúc

Tháng 4/2018, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” với thông điệp thầy cô thay đổi để hướng đến môi trường sư phạm văn minh, thân thiện. Xét thấy được tầm quan trọng của “trường học hạnh phúc” thầy và trò trường THPT Lê Lợi đang chung tay cùng xây dựng một ngôi trường thực sự hạnh phúc.

Chúng ta vẫn thường hay nghe đến “Gia đình hạnh phúc” hay “Cuộc sống hạnh phúc”. Vậy “trường học hạnh phúc” là gì?

Không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh. Trường học hạnh phúc là nơi để thầy cô và các em học sinh có cơ hội gần gũi, giao tiếp với nhau thông qua sự sẻ chia, thấu cảm và yêu thương. Hạnh phúc đôi khi cũng thật nhỏ bé: chỉ là những việc làm hữu ích thầm lặng, những nụ cười, những ánh mắt thân thương. Những điều tưởng chừng như rất nhỏ bé này đang được thầy và trò trường THPT Lê Lợi cố gắng xây dựng để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cho các bạn học sinh, và là một niềm hạnh phúc của thầy cô.

Để làm được điều này, không chỉ nỗ lực bằng những khẩu hiệu mà còn phải bằng hành động cụ thể. Trong mỗi môi trường, người đầu tàu là người đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định thành bại ở các hoạt động. Nhận thấy tầm quan trọng ấy, thầy giáo hiệu trưởng – ths Lê Xuân Trung luôn nhấn mạnh về “hạnh phúc” cho học sinh. Ở Lê Lợi, các hoạt động đã giảm thiếu tối đa những bài phát biểu dài, thay vào đó là những tâm sự hay những buổi giao lưu văn nghệ của Thầy dành cho các bạn học sinh phù hợp với hoạt động và mục đích mà nhà trường đưa ra.

Cuộc thi hùng biện tiếng Anh

Đội ngũ thầy cô giáo trường THPT Lê Lợi đang là một lợi thế lớn để xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Họ đa phần là những người trẻ, nhiệt huyết và dễ thích ứng với những thay đổi. Thầy cô đang dần dần mở lòng mình hơn để dễ dàng tâm sự, thấu hiểu mọi nguyện vọng của từng học sinh. Các hình thức kỉ luật dần được thay thế bằng tình thương, bằng cảm hóa chứ không còn là những “biên bản kỷ luật” đáng sợ nữa.

Không những vây, vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều tạo các cuộc gặp mặt/ diễn để Lê Lợi-ers trao đổi những tâm tư, nguyện vọng, nói lên những đề xuất, kiến nghị của mình từ những vấn đề rất nhỏ nhặt như: Liệu thầy cô có thể thay đổi đồng phục các bạn học sinh nữ sang váy? Hay lớn hơn như: Có thể mời các thầy cô giáo nổi tiếng trao đổi cùng đội tuyển học sinh giỏi? Những thay đổi nhỏ bé nhất đến từ cảnh quan hay nhu cầu ở căng tin, ở nhà vệ sinh gây nhức nhối đều được nhà trường cố gắng hoàn thiện và thay đổi để học sinh tâm lý thoải mái nhất khi đến trường, để các tệ nạn xã hội không thể xâm nhập vào môi trường sư phạm.

Chúng ta vẫn thường nói: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thế nhưng làm sao để xóa nhòa những rào cản tâm lí giữa học trò và thầy cô cũng như gia đình và nhà trường? Làm sao để học sinh có thể xem trường học là ngôi nhà thứ hai của mình và an tâm khi đến lớp? Điều này, Lê Lợi đã đang và sẽ cố gắng hết mình để học sinh có những ngày vui thực sự khi đến trường ./.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *