Kỳ tuyển sinh năm 2020, nhiều trường đại học mở các chuyên ngành đào tạo mới nhằm thu hút sinh viên. Ngoài ra, có các khóa đào tạo ngắn và dài hạn đối với sinh viên quốc tế.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 được đánh giá là rất sôi động, có sự cạnh tranh giữa các trường với nhau. Nhằm thu hút thí sinh, các trường đại học trong cả nước đã sớm công bố thông tin tuyển sinh năm 2020 với phương thức đa dạng, trong đó có thêm nhiều chuyên ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội và được dự báo là ngành hot trong tương lai.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có nhiều ngành học liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giải quyết các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học, Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường…
Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh 5 ngành mới, gồm: Marketing – Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng. Còn ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc.
ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành Kỹ thuật robot; ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM từ năm 2020 sẽ đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng việc mở thêm một số ngành học mới như: Khoa học máy tính (hướng trí tuệ nhân tạo), Kỹ thuật máy tính. ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM dự kiến cho ra đời 5 ngành mới, gồm: Vật lý Y khoa, Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng, Toán tin và ngành kỹ thuật địa chất.
Đáng chú ý, tại kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường linh hoạt áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, ngoài xét tuyển “truyền thống” đó là: xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020; xét truyển dựa trên kết quả học bạ THPT; dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực…
Một số trường đã mạnh dạn bổ sung thêm đối tượng xét tuyển, đó là sử dụng kết quả của kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test), sử dụng phỏng vấn, kiểm tra năng lực riêng… Đặc biệt, nhiều trường dành một số chỉ tiêu xét tuyển học sinh quốc tế.
Tiêu biểu như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, xét tuyển đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài 2% chỉ tiêu. ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến có hơn 1.600 chỉ tiêu, trong đó trường dành 1% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên học bạ với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài.
Để tăng cường thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi tại các đơn vị đào tạo trong ĐH Quốc gia Hà Nội có hẳn phần mềm tuyển sinh sinh viên quốc tế trực tuyến. Nhiều khoa, trường thành viên trong những năm gần đây đã trú trọng đào tạo sinh viên quốc tế theo học tại Việt Nam.
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) có các trường trình đào tạo liên kết với các trường đại học quốc tế để đào tạo sinh viên trong và ngoài nước. Những năm qua, trường đã thu hút được các sinh viên từ các nước như: Ucraina, Lào, Nhật Bản… đến theo học. Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) có các chương trình đào tạo đại học và sau đại học bằng tiếng Anh, chương trình do trường nước ngoài cấp bằng.
ĐH Duy Tân cũng thu hút nhiều sinh viên ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Lào, Myanmar, Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc… để theo học đại học. Các sinh viên quốc tế học tại trường theo Chương trình du học tại chỗ lấy bằng quốc tế, Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, Chương trình tài năng… Được biết, năm 2020 nhà trường tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo đối với sinh viên nước ngoài tại trường.
Theo ĐH FPT, năm nay, trường tiếp tục mở các khóa dài hạn Kỹ thuật phần mềm, Quản trị kinh doanh, Thạc sỹ Kỹ thuật phần mềm và các khóa ngắn hạn khác.
Quang Anh
Nguồn: Báo Gia Đình