Tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1: Chất lượng, an toàn và hiệu quả

Các trường ĐH đã hoàn tất công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định: Công tác tuyển sinh 2020 đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung.

Giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung

– Bà đánh giá thế nào về kết quả xét tuyển đại học đợt 1?

– Theo kết quả xét tuyển đợt 1 (tùy thuộc vào tình hình nhập học chính thức của thí sinh), sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên, con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh). Số liệu này phản ánh công tác tuyển sinh 2020 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung.

Công tác tuyển sinh, có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển, bảo đảm quy trình kỹ thuật ổn định. Bên cạnh đó, hai nhóm xét tuyển chung đã thu hút nhiều thành viên, đặc biệt là hầu hết các trường lớn tham gia; phối hợp thành công để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Vai trò tích cực của trường chủ trì và sự hợp tác giữa các nhóm trường phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh; có tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên, cùng nhau xét tuyển và lọc ảo.

Kết quả tuyển sinh đến thời điểm hiện tại bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào tốt; phân loại chất lượng giữa các thí sinh, nhóm trường khá rõ ràng. Phương thức tuyển sinh năm 2020 thể hiện tính khoa học, hợp lý, khách quan, công bằng với tất cả thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

– Năm nay, nhiều ngành có điểm chuẩn lên đến 29 – 30 điểm. Bà có thể lý giải về việc này?

– Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao, ví dụ như ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhăn văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Có một số nguyên nhân như: Chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông. Ngoài ra, chỉ tiêu đã dành một phần cho tuyển sinh bằng các phương thức khác, không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mặt khác, mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019; do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.

Theo quy định của Quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, ngành. Bộ GD&ĐT thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT.

Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách). Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao không trúng tuyển có thể xảy ra.

Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển. Các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo).

Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển… và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh có thể căn cứ vào các thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường). Thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1. Ngoài ra, thí sinh còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Thí sinh theo dõi thông tin tuyển sinh tại các trường. Ảnh minh họa

Xác định bình đẳng các nguyện vọng

– Với thí sinh trượt nguyện vọng 1, các em có khả năng trúng tuyển nguyện vọng 2, 3…?

– Theo quy định, các nguyện vọng của thí sinh được xác định bình đẳng như nhau, trừ thí sinh có điểm bằng nhau ở cuối danh sách sẽ ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn. Như vậy, thí sinh được xét tuyển từ nguyện vọng 1 đến hết, kết quả trúng tuyển sẽ dừng lại ở ngành, trường mà thí sinh đáp ứng điều kiện của trường.

Như vậy, thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể theo năng lực của các em và căn cứ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành/trường đó.

– Theo bà, phần mềm lọc ảo năm nay có phát huy hiệu quả và bài học kinh nghiệm từ công tác này?

– Hệ thống lọc ảo hoạt động ổn định trong suốt thời gian xét tuyển và lọc ảo. Không có hiện tượng nghẽn mạng. Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát số lượng thí sinh ảo, bảo đảm tính công bằng giữa thí sinh và minh bạch công khai của các nhà trường.

Để có thể xét tuyển và lọc ảo hiệu quả như hiện nay, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ GD&ĐT, đến các sở GD&ĐT, trường phổ thông. Đồng thời, cần có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển và lọc ảo.

Như vậy, chúng ta cần có một hệ thống các phần mềm với chức năng đủ để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển đa dạng và phong phú của các trường; cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về trường phổ thông; danh mục khu vực ưu tiên, trường ngành, tổ hợp xét tuyển và cơ sở dữ liệu về thí sinh, điểm thi của thí sinh đặc biệt là thí sinh phải tham gia đăng ký xét tuyển trên cùng một hệ thống.

Đồng thời, do các trường xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau, trong thời gian khác nhau, thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học cần được các trường nhập lên hệ thống trong thời gian quy định, để loại bớt các thí sinh này ra khỏi danh sách các thí sinh sẽ tham xét tuyển lọc ảo đợt 1.

– Xin cảm ơn bà!

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường (chủ yếu là các trường ngoài công lập), trường thuộc tỉnh, trường ở vùng sâu, vùng xa, trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non, có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15/10 đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28/2/2021.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *