Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Lấy giáo dục truyền thống làm điểm tựa giáo dục đạo đức, nhân cách

Ngày 16/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc tại tỉnh Bắc Giang.

Trong chương trình làm việc buổi sáng, đoàn đã đến thăm 2 cơ sở giáo dục của huyện Việt Yên là Trường tiểu học Bích Sơn và Trường THCS Thân Nhân Trung. Cùng làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Giang, có ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang; lãnh đạo huyện và Phòng GD&ĐT Việt Yên…

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện dịch bệnh

Báo cáo đoàn công tác, cô Phan Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bích Sơn, cho biết: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã xác định thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và giảng dạy phải được thực hiện song song.

Do đó ngay từ buổi tựu trường (1/9), Ban giám hiệu đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát thiết bị học trực tuyến của học sinh. 100% giáo viên, học sinh đều được thực hành dạy-học trực tuyến thành thạo trước ngày 5/9 để sẵn ứng phó khi có tình huống dịch Covid-19 xảy ra; 100% học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến. 

Cùng với việc chỉ đạo các tổ khối chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học các môn học/hoạt động giáo dục theo Công văn 3969/BGDĐT-GDTH ngày 10/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường chủ động xây dựng 3 phương án dạy học ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể: Phương án 1 là dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Phương án 2: Dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi một bộ phận học sinh bị cách li không thể đến trường hoặc có giáo viên bị cách li. Phương án 3: Dạy học trực tuyến khi một số lớp hoặc toàn trường học sinh phải thực hiện cách li.

Để thực hiện phương án 2, trường trang bị 13 phòng học trực tuyến bố trí ở cả 5 khối lớp, cử giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm dạy trực tuyến phụ trách. Hiện trường đang kích hoạt 5 phòng trực tuyến, dao động trong khoảng từ 10 đến 20 học sinh đang cách li ở nhà nhưng vẫn được học song song với các bạn ở trường.    

Ở phương án 3, nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ của học sinh bằng hình thức kết hợp với phụ huynh giao bài, chấm chữa bài qua zalo. Khi học sinh trở lại trường thì tổ chức ôn tập, kiểm tra và bổ sung kiến thức nếu cần.  

Học sinh Trường tiểu học Bích Sơn không thể đến trường vẫn được học cùng các bạn qua trực tuyến. Mô hình lớp học “2 trong 1” được triển khai hiệu quả trong các trường học tại Bắc Giang.

Tâm thế chủ động, linh hoạt, sáng tạo cũng được Trường THCS Thân Nhân Trung phát huy hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh. Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Đoàn, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã rà soát, bổ sung tài khoản của học sinh, giáo viên đã được Microsoft Việt Nam cấp miễn phí.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng dạy học trực tuyến (mỗi khối chuẩn bị 1 phòng) để đáp ứng kịp thời khi có các tình huống về dịch bệnh. Sẵn sàng triển khai các phương án, kịch bản, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào trường học. Củng cố, kiện toàn “Tổ tự quản trường học tham gia bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Trong đợt dịch bùng phát tại huyện Việt Yên từ 26/10/2021, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh không bị cách ly, thuộc địa bàn không phải phong tỏa; đồng thời dạy học trực tuyến cho học sinh thuộc đối tượng bị cách ly, thuộc địa bàn bị phong tỏa.

Ngày 31/10/2021, UBND huyện Việt Yên ban hành công văn chỉ đạo các nhà trường tạm thời cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, nhà trường đã nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Đến nay, trường vẫn bảo đảm thực hiện đúng, đủ chương trình năm học theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng quà lưu niệm và tặng sách cho Trường tiểu học Bích Sơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn viết lưu niệm vào sổ truyền thống Trường THCS Thân Nhân Trung.

Niềm tin triển khai chương trình mới từ kết quả ở lớp 1

Chia sẻ về kết quả 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Phan Thị Thu Hiền cho biết: Nhà trường đã nhận được sự đồng thuận, quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân và phụ huynh học sinh. Cơ sở vật chất được tăng cường, hệ thống sân chơi bãi tập được mở rộng; trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Đáng chú ý, 100% học sinh lớp 1 đều đọc thông, viết thạo, tính toán tốt hơn hẳn học sinh lớp 1 trước đây. Các em được học tập trải nghiệm, vận dụng tích lũy giúp hình thành phát triển năng lực và phẩm chất; mạnh dạn hơn, tự tin hơn, sáng tạo hơn trong học tập; biết vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. 

Triển khai Chương trình mới, giáo viên cũng có cơ hội học tập, trải nghiệm, sáng tạo và tích lũy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng khai thác và sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học và khai thác hiệu quả học liệu điện tử.

“Thời điểm này, Trường tiểu học Bích Sơn cũng đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 3 từ năm học 2022-2023. Trong đó có việc dự kiến số giáo viên dạy lớp 3; với giáo viên dạy Tin học, trường có kế hoạch sẽ bố trí cho bồi dưỡng kiến thức về công nghệ để giảng dạy môn Tin học và Công nghệ” – cô Phan Thị Thu Hiền cho hay.

Cô Phan Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bích Sơn báo cáo tại buổi làm việc.

Năm đầu tiên triển khai chương trình mới với lớp 6, Trường THCS Thân Nhân Trung đã có những chuẩn bị nghiêm túc. Theo thầy Nguyễn Công Đoàn, trước ngày khai giảng, 100% học sinh lớp 6 của trường có đủ sách giáo khoa, đồ dùng để học tập.

Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy lớp 6 để nắm bắt, phát hiện khó khăn từ đó có giải pháp hỗ trợ giáo viên kịp thời. Chỉ đạo, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham dự các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khoa trong tháng 8/2021; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục các môn học/hoạt động giáo dục, kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19 xong trước 31/8.

Trường cũng thành lập tổ giáo viên cốt cán để hỗ trợ giáo viên toàn trường trong thực hiện chương trình mới; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp trường, cấp huyện; tham gia sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp với  trực tuyến để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên.

“Giáo viên, học sinh nhà trường cơ bản thích ứng tốt với việc dạy, học theo chương trình, sách giáo khoa mới cũng như dạy học ứng phó với dịch Covid-19” – thầy Nguyễn Công Đoàn nhận định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh  Trường THCS Thân Nhân Trung.

Chú ý bồi đắp nhân cách, đạo đức bên cạnh kiến thức, kĩ năng

Thăm lớp học và cơ sở vật chất 2 trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng khi thấy học sinh mạnh dạn, tự tin; cơ sở vật chất trường lớp khang trang, điều kiện dạy-học tốt. Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, cũng như kết quả đạt được của thầy, trò trong thời gian qua, Bộ trưởng mong muốn 2 trường tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, lớp 2, lớp 6; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình mới với lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học sau.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý nhà trường, bên cạnh tích cực dạy tri thức, kĩ năng, còn cần tăng cường bồi đắp, rèn luyện học sinh về đạo đức, nhân cách; xây dựng văn hóa học đường, rèn luyện cách ứng xử, giao tiếp, làm sao vừa chủ động, tự tin, nhưng cũng phải lễ phép. Bộ trường cũng lưu ý việc phải làm sao phát huy được tố chất riêng của từng học sinh, tạo điều kiện cho nhân tài phát lộ, phát triển.

Nhấn mạnh “giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, nhưng nhân tố quyết định là người thầy; nếu không chăm lo phát triển đội ngũ thì mục tiêu lớn khác rất khó có thể đạt được”, Bộ trưởng mong muốn Bắc Giang, từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Giáo dục, đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, quan tâm đến đời sống và phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ. Bên cạnh đó, giáo viên muốn đổi mới thì tư duy của lãnh đạo nhà trường, của phòng/sở Giáo dục và Đào tạo cũng phải đổi mới; và muốn được như vậy rất cần sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Chia sẻ Bắc Giang, đặc biệt huyện Việt Yên là vùng đất giầu truyền thống văn hóa, Bộ trưởng đề nghị các nhà trường làm tốt công tác giáo dục truyền thống; lấy giáo dục truyền thống là một trong các công cụ, phương tiện, điểm tựa để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng mong muốn 2 trường thực hiện tốt kế hoạch năm học; đồng thời ứng phó với tình hình dịch bệnh, tận dụng thời gian “vàng” dạy học trực tiếp, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường trang thiết bị, học liệu, từ đó sẵn sàng chuyển trạng thái, để việc dạy học đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *