Không nên hốt hoảng ‘đóng sập’ cửa trường khi có F0

Nhiều ý kiến lo ngại nếu xuất hiện F0 là học sinh ở lớp nào đó mà cả trường hốt hoảng cho toàn bộ học ở nhà, lập tức đóng cửa trường sẽ gây ra bất ổn, có thể đi học được dăm ba ngày lại nghỉ.

Nên có kế hoạch “sống chung với dịch” trong trường học

Hà Nội đang lên phương án đón học sinh THPT trở lại trường từ ngày 6.12 tới. Các nhà trường đều đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì việc mở cửa trường học trong bối cảnh dịch bệnh vẫn khó lường đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể, bình tĩnh về xử lý nếu có F0 xuất hiện trong trường học.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng nếu không may xuất hiện F0 ở lớp nào thì chỉ nên phong tỏa lớp học ấy. Nhà trường, cơ quan y tế địa phương (phường, quận) cùng phụ huynh có con là F0 phối hợp giải quyết.

Lớp có học sinh hoặc giáo viên là F0 cần được phong toả, các học sinh còn lại đều F1 được xét nghiệm khẩn trương tại trường, sau đó cách ly tại gia đình… Tùy thuộc thực tế, đánh giá nguy cơ, để có thể phong toả rộng hơn 1 lớp (1 tầng, 1 block nhà…. ).

Sau thời gian cách ly, học sinh có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính thì cần nhanh chóng cho trở lại trường. Ngoài lớp hoặc tầng, block nhà bị cách ly thì các lớp khác trong trường đi học bình thường. Phương án “chung sống với dịch bệnh” có như vậy mới bền vững lâu dài.

Ông Nguyễn Xuân Khang cũng bày tỏ lo ngại: “Nếu mở cửa trường rồi nhưng cứ xuất hiện F0 ở lớp nào đó mà cả trường hốt hoảng, lập tức “đóng sập” cửa trường và coi trường đó là ổ dịch; các trường cùng phường, thậm chí cùng quận, nếu lo lắng cũng cho học sinh dừng học trực tiếp,… thì sẽ gây ra bất ổn cho kế hoạch dạy học, có thể đi học được dăm ba ngày lại nghỉ, rồi lại ngấp nghé đến trường”.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết trong kế hoạch tổ chức dạy học khi học sinh trở lại trường, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm “sàng lọc” các trường hợp có F là học sinh của mình vào mỗi buổi tối, trong đó bao gồm cả các trường hợp học sinh có triệu chứng sốt, ho, khó thở;… nếu có thì hướng dẫn các em tạm cách ly ở nhà thay vì đến trường rồi mới tiến hành các biện pháp cách ly, phòng dịch.

Dự phòng phương án cho những học sinh chưa thể đến trường

Bà Nguyễn Bội Quỳnh cũng cho hay, nhà trường đang gấp rút xây dựng kế hoạch dạy học khi đón học sinh trở lại trường. Kế hoạch này không chỉ là chuẩn bị các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh ra sao, mà còn là công tác dạy học linh hoạt để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

Bà Quỳnh nêu ví dụ, nhà trường đang tính toán lựa chọn những môn nào có thể kết hợp dạy học cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến; những môn nào ưu tiên dạy học trực tiếp toàn bộ. Đặc biệt, với khối lớp 12 thì cần ưu tiên dạy học trực tiếp nhiều hơn, nhất là những môn thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT. Khi học sinh trở lại trường sẽ phải rất sát sao trong việc rà soát nội dung kiến thức đã học trực tuyến thời gian qua và có phương án cụ thể để bổ sung, củng cố cho từng nhóm đối tượng học sinh khác nhau.

Theo bà Quỳnh, kế hoạch dạy học đã tính đến phương án khi nhà trường mở cửa trở lại nhưng vẫn có những học sinh chưa thể trở lại trường do thuộc nhóm có “F” hoặc sinh sống trong khu vực bị coi là ổ dịch và đang bị phong tỏa. Những học sinh này cần được quan tâm đặc biệt hơn, như việc cuối mỗi buổi giáo viên từng bộ môn sẽ có nhiệm vụ giúp đỡ, giải đáp thắc mắc về nội dung bài học cho những học sinh này khi các em có nhu cầu.

Đáng chú ý, bà Quỳnh cho hay nhà trường đã xây dựng một lực lượng giáo viên dự phòng của tất cả các bộ môn để dạy trực tuyến cho học sinh tất cả các khối lớp, song song với tiến độ dạy học trực tiếp để tránh thiệt thòi cho các em.

“Tất nhiên giáo viên sẽ vất vả hơn, sẽ phải thêm việc, nhưng chúng tôi cũng động viên nhau phải “hy sinh” để đảm bảo chất lượng và quyền học tập của học sinh”, bà Quỳnh chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, thông tin trường đã chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc có thể kết hợp cả dạy học trực tiếp và trực tuyến, giúp các học sinh chưa thể đến trường (nếu có) không bị chậm chương trình so với các bạn trên lớp.

Cụ thể, nhà trường đã lắp đặt thêm webcam cho 30 phòng học. Điều này giúp cho những học sinh diện F0 hoặc phải cách ly hay trong khu phong tỏa vẫn có thể tham dự lớp học đang diễn ra trực tiếp, tham gia phát biểu, được giáo viên gọi tên, chỉ khác là các bạn thì ngồi ở lớp, còn một số học sinh này thì học ở nhà hoặc trong khu cách ly.

Trước đó, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có văn bản trình UBND TP về việc cho học sinh THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trở lại trường từ ngày 6.12.

Ngày 30.11, Sở cũng đã có cuộc họp với lãnh đạo các cơ sở giáo dục để quán triệt các nội dung chuẩn bị đón hoc sinh trở lại trường khi được lãnh đạo TP quyết định.

Recommended For You

About the Author: @dmin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *