Năm nay, nhiều đại học tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với điểm học tập hoặc điểm thi THPT của thí sinh.
Nhiều đại học đang rục rịch công bố đề án tuyển sinh 2021, trong đó, các trường bổ sung chỉ tiêu theo phương thức chọn thí sinh giỏi ngoại ngữ. Phổ biến nhất là ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ SAT, A-Level.
Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển theo 3 phương thức, trong đó ưu tiên phương thức xét tuyển thẳng hồ sơ năng khiếu dành cho đối tượng là học sinh lớp chuyên với học lực giỏi, học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng anh, chứng chỉ SAT, A-Level.
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Ngoài ra, trường ưu tiên xét tuyển phương thức tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS và tương đương.
Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến áp dụng xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5+, TOEFL ITP 550+, TOEFL iBT 90+, và có tổng điểm thi THPT của môn Toán và 1 môn bất kỳ (trừ môn tiếng anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm điểm ưu tiên) sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C)
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại Thương cho biết, hiện trường chưa phê duyệt Đề án tuyển sinh năm 2021. Tuy nhiên, về chủ trương, nhà trường cơ bản sẽ vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020, gồm: Xét tuyển thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; xét tuyển kết hợp kết quả với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc kết quả thi THPT với chứng chỉ ngoại ngữ; xét tuyển kết quả kỳ thi THPT và xét tuyển thẳng.
Năm 2020, điều kiện xét tuyển của Đại học Ngoại thương là sở hữu chứng chỉ quốc tế IELTS 6.5 trở lên kèm điều kiện riêng cho thí sinh học hệ chuyên và không chuyên.
Năm nay, Đại học Mở TP.HCM xét tuyển 4.500 chỉ tiêu, trong đó, ưu tiên xét tuyển với thí sinh dự thi tú tài quốc tế (IB) tổng điểm 26 trở lên, chứng chỉ quốc tế A-level của trung tâm khảo thí Đại học Cambrige (Anh) theo điểm 3 môn thi (trở lên) đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ C trở lên, kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600.
Ngoài ra, Đại học Mở TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, yêu cầu đủ điều kiện xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) và đạt điểm IELTS (hoặc các chứng chỉ khác quy đổi tương đương) với ngành ngôn ngữ là IELTS 6.0, các ngành còn lại: IELTS 5.5.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ thí sinh sử dụng các tổ hợp môn tiếng Anh để xét tuyển vào các trường đại học chưa nhiều. Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thấp nhất so với mặt bằng chung các môn thi. Trong khi đó từ 2019 đến nay, các trường đại học có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong công tác xét tuyển thí sinh đầu vào. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế các môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt ngay từ đầu vào.
Hà Cường