Năm học 2021 – 2022 sẽ thực hiện Chương trình, SGK mới với lớp 2 và lớp 6.
Công tác thẩm định SGK và chuẩn bị, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất được thực hiện một cách khẩn trương trên tinh thần đúng chủ trương, định hướng nhưng khoa học, thận trọng và chất lượng, vừa gỡ khó cho cơ sở, vừa bảo đảm mục tiêu chương trình.
Tăng cường khâu thẩm định
Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết: Công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả đã chỉnh sửa, chúng tôi triển khai thẩm định vòng 2. Lần này, chúng tôi yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định. Đồng thời, sẽ tăng cường thêm các kênh để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn từ thầy cô trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở cũng qua các kênh khác nhau.
Hiện nay, 8 trường sư phạm cùng 63 sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng GV cốt cán trong mô-đun 2 và thời gian tới là mô-đun 3. Đây là 2 mô-đun hết sức quan trọng về phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, triển khai ngay việc bồi dưỡng đại trà để đáp ứng được yêu cầu trong năm tới, với lớp 2 và lớp 6.
Về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị dạy học, Bộ GD&ĐT đã đưa lên trang web và xin ý kiến rộng rãi, thời gian tới sẽ ban hành để các địa phương có cơ sở xây dựng, mua sắm trang thiết bị chuẩn bị sẵn sàng cho năm tới.
Ông Thành nhấn mạnh: SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ ban hành sớm hơn có để các nhà xuất bản (NXB) có thời gian (khoảng 5 tháng) để in ấn, phát hành, đặc biệt trong khoảng thời gian đó sẽ tập trung bồi dưỡng GV sử dụng sách này.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng ở trong công tác thẩm định SGK: Kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. Trước đây, các NXB phối hợp với tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm, tới đây, sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD&ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn. Tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các NXB để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi gửi lên Bộ GD&ĐT để thẩm định. Ngoài ra, Bộ sẽ mở rộng đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ GV, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Gỡ khó để thực hiện chương trình mới
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Chương trình phổ thông mới muốn thành công, các điều kiện bảo đảm phải được đáp ứng. Trong đó, hai yếu tố quyết định là đội ngũ GV và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Mà hai yếu tố này, trách nhiệm lớn thuộc về địa phương.
Qua giám sát của Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ sở vật chất nhìn chung mới đáp ứng ở mức độ vừa phải. Để đáp ứng mục tiêu đặt ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu nhiều về phòng học, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học.
Bà Hoa nhận định: “Không chỉ có áp lực về sĩ số HS đông ở các thành phố lớn mà ngay ở những trường miền núi như Nam Trà My, khi Ủy ban về giám sát, HS lớp 3 phải ngồi 50 em/1 lớp. Đây là những thách thức rất lớn cho các thầy cô trong triển khai chương trình SGK mới”.
Đội ngũ GV đang rất cố gắng, nhưng rõ ràng chúng ta đang nhìn thấy bất cập về phía đội ngũ là tình trạng thừa thiếu cục bộ. Với những môn mới đòi hỏi phải có GV đáp ứng ngay nhưng cùng một lúc GV phải thực hiện luôn cả việc nâng chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã có lộ trình, các địa phương cũng rất quyết tâm, nhưng với GV, cùng một lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ là đào tạo nâng chuẩn và đáp ứng yêu cầu của chương trình SGK mới sẽ tạo áp lực rất lớn.
Điều quan trọng trước mắt là cần có giải pháp kịp thời, cụ thể đối với từng vùng, địa bàn, nhóm GV chứ không nên chỉ có giải pháp chung. Bởi lẽ, mỗi nơi, mỗi vùng miền đều có những khó khăn, thách thức riêng đặt ra.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc – thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ: Đội ngũ GV Trường Tiểu học Kim Ngọc sẵn sàng cho việc đổi mới với tâm thế thoải mái, vướng ở đâu thì giải quyết ở đó. Điều quan trọng nhất để bắt đầu hành trình chính là cán bộ quản lý. Dù chủ trương của Bộ GD&ĐT bài bản, kỹ lưỡng và người thực thi chính là cán bộ quản lý của cơ sở, cụ thể là hiệu trưởng, mắt xích quan trọng để giáo viên có tâm thế tốt.