Nếu vì bất kỳ lý do gì mà chưa thể tới trường, các học sinh của Bắc Giang sẽ ngay lập tức chuyển sang học trực tuyến, tương tác với thầy cô và bạn bè như ở lớp.
Đây là một mô hình dạy học được Bắc Giang tiên phong triển khai trên toàn tỉnh mà theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang là rất linh hoạt và hiệu quả.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho hay, ngay từ đầu năm học, Sở đã xác định việc phòng chống, ứng phó với Covid-19 không thể một sớm một chiều, không phải chuyện của một năm mà có thể còn phải kéo dài hơn nữa.
“Như vậy, chúng tôi nhìn nhận, việc học của học sinh giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến sẽ phải đan xen rất nhiều”, ông Khoa nói.
Khi có điều kiện thuận lợi thì nên ưu tiên việc được học trực tiếp. Khi những học sinh ở trong vùng cách ly hoặc có liên quan đến dịch bệnh mà không thể đến trường được, thì buộc phải tuân thủ để đảm bảo sức khỏe cho mình và cộng đồng. Vì vậy, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã xây dựng một mô hình để giải quyết bài toán lâu dài.
“Sẽ có 3 hình thức có thể xảy ra. Thứ nhất là học sinh đi học trực tiếp khi các em ở những vùng an toàn. Thứ hai là học trực tuyến khi mà tất cả học sinh thuộc diện trong vùng phong tỏa hoặc có những vấn đề liên quan mà không thể đến lớp. Hai mô hình này thì cơ bản các tỉnh, thành khác đều thực hiện.
Còn mô hình thứ ba là mô hình mà trong một lớp học có cả học sinh học trực tiếp và có cả học trực tuyến nhưng diễn ra đồng thời, đúng theo diễn biến lớp học. Những học sinh này sẽ được kết nối với lớp học đang diễn ra thực tế ở trường thông qua một camera được trang bị ở lớp học”.
Chẳng hạn, một lớp có thể vừa có học sinh đến lớp ngồi học trực tiếp vừa có vài em ở nhà học trực tuyến.
“Như vậy lớp học này là lớp học khác hoàn toàn với tất cả những lớp học khác. Các học sinh học trực tuyến sẽ được học cùng với thầy cô giáo và các bạn theo đúng tuần tự các tiết học theo thời khóa biểu. Các em vẫn được giao lưu, tương tác với các thầy cô và các bạn trên lớp và cũng được hưởng không khí, cảm giác như đang trong lớp học. Như vậy giáo viên sẽ quan tâm được tới tất cả các nhóm học sinh”, ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, những học sinh ở nhà sẽ kết nối với lớp học trực tiếp qua nền tảng Microsoft Team. Sở GD-ĐT đã cung cấp 500.000 tài khoản học trực tuyến miễn phí.
Chuẩn bị phương án như vậy, ông Khoa cho rằng, Bắc Giang cũng gặp thuận lợi khi cơ bản các học sinh của tỉnh được khai giảng đúng thời gian, trong tháng 9 và không có học sinh phải nghỉ lâu dài.
Vừa qua, khoảng cuối tháng 10 có đợt bùng phát dịch ở Bắc Giang, nhưng ngay cả đối với các học sinh lớp 1 cũng không khó khăn gì khi chuyển hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Bởi trong cả quá trình các em học trực tiếp thì các em đã được nhà trường, thầy cô cho làm quen, chuẩn bị sẵn sàng phương án đó rồi nên thao tác được.
“Có thể hết thời gian cách ly của học sinh này thì có thể đến thời gian cách ly của học sinh khác. Do đó, hình thức tổ chức dạy học này được duy trì tiếp tục, không có điểm dừng khi chưa hết hẳn dịch”.
Theo ông Khoa, một số gia đình chưa yên tâm cho con đến trường thì có thể tham gia hình thức học này.
“Phụ huynh chưa thật sự yên tâm, còn nghi ngại thì các thầy cô sẵn sàng để cho các con ở nhà học trực tuyến. Nhà trường sẽ có sự hỗ trợ riêng cho các bạn này để hòa đồng, kịp với các bạn trên lớp và lớp học vẫn vận hành bình thường”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cho hay, với mô hình này, các trường cũng không phải lo chuyện đầu tư quá nhiều. Bởi không phải mọi lớp đều dạy vừa trực tiếp vừa trực tuyến mà tất cả các học sinh của toàn khối vào diện không thể đến trường đều được vào học theo lịch của một lớp nào đó. Ví dụ, khi không thể đến trường vì dịch, học sinh lớp A,B,C được ghép cùng học theo thời khóa biểu của lớp D. Như vậy mỗi khối chỉ cần trang bị phương tiện cho một lớp cố định.
“Một phòng học trang bị cũng không quá tốn kém. Ti vi thông minh cơ bản được trang bị sẵn, nền tảng kỹ thuật công nghệ cũng vậy, như vậy chỉ thêm một camera từ khoảng 2-2,5 triệu đồng/khối lớp”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất cũng ở khâu này. Để có thể học được toàn khối như thế thì nhà trường luôn phải rà soát về tiến độ của các lớp, phải đều nhau. Ví dụ có một sự chênh nào đó, thì giáo viên của lớp có học sinh phải học trực tuyến phải bổ sung ngay để các em có thể theo kịp thời khóa biểu.
“Như vậy giáo viên cũng phải chủ động nắm được tiến độ, chương trình học của toàn khối, của lớp sẽ tổ chức dạy học kết hợp song song. Hiệu trưởng cũng phải có trách nhiệm rà soát để đảm bảo lịch dạy kiến thức của khối đó là phải đều nhau. Đây là những yêu cầu, là bước mà nếu như không chú ý thì sẽ bị giảm chất lượng của loại hình dạy học này đi”.
Sở GD-ĐT Bắc Giang xác định đây là hình thức căn cơ để giải quyết bài toán các học sinh không bị đứt đoạn việc học, đều được đảm bảo tiến độ chương trình.
“Tôi cho rằng với hình thức này, nếu có sự tập trung chỉ đạo thì chất lượng của việc dạy học cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí không kém cạnh so với học trực tiếp”, ông Khoa nói.
Thanh Hùng
Theo: Việt Nam Net